Chu Hải

Ô tô đi đăng kiểm có cần tháo ghế trẻ em?

Đường dây nóng của Báo Xây dựng nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc lắp ghế trẻ em ở ghế sau xe, khi đi đăng kiểm có cần tháo không?

Theo tìm hiểu của PV, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) phù hợp cho trẻ em.

Ô tô đi đăng kiểm có cần tháo ghế trẻ em?- Ảnh 1.

Ghế an toàn lắp trên xe không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật phương tiện, do đó, khi đi đăng kiểm không cần tháo mà vẫn đảm bảo việc đăng kiểm được thực hiện bình thường (ảnh minh hoạ).

Ghế trẻ em là một trong các loại thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ, bên cạnh các thiết bị khác như: nôi, ghế nâng, đệm nâng,…

Dù đến ngày 1/1/2026 quy định trên mới có hiệu lực, song, khá nhiều phụ huynh, đặc biệt những người trẻ đã chủ động tìm hiểu và mua TBAT trên ô tô cho con mình sử dụng.

Phản hồi thắc mắc của bạn đọc, đại diện một cơ sở đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, thông thường, thiết bị an toàn cho trẻ em được cố định vào ghế sau xe ô tô thông qua dây đai an toàn hoặc neo ISOFIX.

Về cơ bản, việc tháo lắp ghế an toàn cho trẻ trên ô tô khá đơn giản, dễ dàng, không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, khi lắp thiết bị này trên xe không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật phương tiện cũng không ảnh hưởng đến việc kiểm tra hạng mục dây đai an toàn trên xe. Mặt khác, QCVN 122:2024 về kiểm định xe cơ giới lưu hành cũng không có hạng mục kiểm tra neo ISOFIX.

Bởi vậy, trường hợp chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm mà trên xe vẫn lắp ghế trẻ em như tình huống bạn đọc Báo Xây dựng nêu, cũng không cần tháo mà vẫn đảm bảo cho việc đăng kiểm xe được thực hiện bình thường.

Đèn đỏ rẽ phải có thể bị phạt tiền từ 18 triệu đến 20 triệu đồng .

Người tham gia giao thông rẽ phải khi đèn đỏ cũng được xem là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và có thể bị phạt tiền từ 18 triệu đến 20 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hải Phong (24 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) mới đây bị phạt do mắc lỗi rẽ phải khi gặp đèn đỏ. “Lâu nay tôi vẫn mặc định đèn đỏ được phép rẽ phải nhưng không ngờ dính phạt” – anh Phong cho biết.

Người đàn ông này thắc mắc, từ năm 2025 lỗi rẽ phải khi đèn đỏ thì sẽ bị phạt bao nhiêu tiền và trong trường hợp nào thì được phép rẽ phải khi đèn đỏ?.

Giải đáp câu hỏi của bạn đọc VietNamNet, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc- Hà Nội) đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 11, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì đèn giao thông màu đỏ là tín hiệu cấm đi.

“Do đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ sẽ không được rẽ phải; trừ trường hợp có biển báo phụ cho phép được rẽ phải.

Tương tự như hành vi vượt đèn đỏ hay không đi khi đèn xanh, người tham gia giao thông rẽ phải khi đèn đỏ cũng được xem là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”, luật sư Phạm Thanh Bình nói.

w z6209725268923 4aed0a529eb699163b31f4af817cc86d 126606 38681.jpg
Đèn đỏ được rẽ phải trên một tuyến đường ở TP HCM. Ảnh:  Tuấn Kiệt 

Đối với hành vi này, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền tùy vào từng trường hợp được quy định tại các điểm b khoản 9 Điều 6 và điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe tương tự xe mô tô;

Phạt tiền từ 18 triệu đến 20 triệu đồng đối với ô tô, xe chở người bốn bánh có động cơ, xe chở hàng bốn bánh có động cơ, và các loại xe tương tự xe ô tô.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn đỏ trong 5 trường hợp cụ thể sau đây:

Theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông về việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ;

Có đèn tín hiệu hình mũi tên/hình xe mô tô cho phép rẽ phải và đang chuyển màu xanh;

Có biển báo phụ cho phép rẽ phải khi đèn đỏ;

Có vạch mắt võng trên mặt đường;

Có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn giao thông.

“Trong các trường hợp này, người tham gia giao thông cần lưu ý, khi rẽ phải thì người điều khiển xe máy phải bật xi nhan và nhường đường cho người đi bộ”, luật sư Phạm Thanh Bình lưu ý.

Trường hợp đèn đỏ bật sáng mà CSGT ra tín hiệu phương tiện di chuyển, có bị phạt nguội ?

Liên quan đến băn khoăn này, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, tại Khoản 10, Điều 2 của Luật Trật tự, an toàn giao thông quy định rõ: Người điều khiển giao thông đường bộ bao gồm CSGT và người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông đường bộ.

Còn tại Điều 11 của Luật này về chấp hành báo hiệu đường bộ quy định người tham gia giao thông phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường…

“Như vậy, với trường hợp đi đến ngã tư mà đèn đỏ bật sáng, người điều khiển giao thông là CSGT cho phương tiện di chuyển thì người tham gia giao thông phải tuân thủ theo CSGT mà không bị phạt nguội”, luật sư Phạm Thanh Bình nêu.

78 người ‘săn mây’ ở Đắk Nông bị công an giữ phương tiện

Công an tỉnh Đắk Nông vừa xử lý 78 người “săn mây” vì hành vi nẹt pô xe, gây mất an ninh, trật tự, tạm giữ phương tiện.

Ngày 14-4, Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang tạm giữ 78 phương tiện và tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý 78 người liên quan.

thợ săn mây 1.jpg
Công an xử lý những nhóm người “săn mây” vi phạm giao thông. Ảnh: M.Q

Trước đó, tại khu vực đồi thông thôn 10, xã Nâm N’Jang thường xuyên xuất hiện mây mù lúc sáng sớm, tạo nên khung cảnh đẹp, thơ mộng và được ví von như Đà Lạt.

Vì thế, nhiều thợ “săn mây” tụ tập về khu vực này để chụp hình, quay video sống ảo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình “săn mây”, nhiều thanh thiếu niên điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, nẹt pô…gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong người dân.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý ngay từ ban đầu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Nông đã đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh này kế hoạch xử lý.

Ngày 13-4, lực lượng của Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng công an các xã Nâm N’jang, thị trấn Đức An…triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xử lý những thanh thiếu niên có vi phạm về giao thông đường bộ.

Nhóm thanh thiếu niên bị công an <b>giữ phương tiện</b>, xử lý vì vi phạm giao thông. Ảnh: M.Q
Nhóm thanh thiếu niên bị công an giữ phương tiện, xử lý vì vi phạm giao thông. Ảnh: M.Q

Kết quả, trong ngày 13-4, công an đã lập biên bản xử lý 78 người “săn mây” từ 15 đến 30 tuổi, với các lỗi vi phạm như: Điều khiển phương tiện khi chưa đủ độ tuổi; tự ý thay đổi khung máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; không có giấy phép lái xe; không gắn biển số xe…

Việc công an kịp thời xử lý những người “săn mây” vi phạm khiến người dân địa phương rất hài lòng. Nhiều người đã quay, đăng tải video công an xử lý vụ việc đăng tải lên mạng để cảnh báo, nhắc nhở những thanh niên có nhu cầu “săn mây”, sống ảo chấp hành tốt quy định của pháp luật.

TP.HCM: Xe máy hết leo vỉa hè, đề xuất tháo các thanh chắn

Tình trạng xe máy leo vỉa hè đã cơ bản được xử lý khi mức phạt tăng cao, Sở Giao thông Công chánh để xuất tháo các thanh chắn để đảm bảo thuận lợi cho người đi bộ

Sở Giao thông Công chánh TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận huyện và TP Thủ Đức về nghiên cứu tháo dỡ thanh chắn trên vỉa hè gây cản trở lưu thông bộ hành.
TP.HCM: Xe máy hết leo vỉa hè, đề xuất tháo các thanh chắn- Ảnh 1.

Tháo dỡ thanh chắn sẽ giúp người đi bộ, người khuyết tật đi lại thuận lợi.

Theo Sở Giao thông Công chánh, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt tăng cao, ý thức người đi đường được cải thiện. Trong đó, tình trạng xe máy leo lên vỉa hè có chiều hướng giảm, tạo sự thông thoáng và thuận lợi cho người đi bộ, người khuyết tật lưu thông trên vỉa hè.
Tuy nhiên, hiện nay trên vỉa hè một số tuyến đường vẫn đang duy trì thanh chắn ngang vỉa hè. Mục đích của các thanh chắn này trước đây là để ngăn không cho xe máy chạy lên vỉa hè. Qua thời gian, một số thanh chắn bị hư hỏng gây mất mỹ quan đô thị và gây khó khăn cho người đi bộ, người huyết tật.
TP.HCM: Xe máy hết leo vỉa hè, đề xuất tháo các thanh chắn- Ảnh 2.

Thanh chắn được lắp đặt nhiều đoạn trên đường Điện Biên Phủ.

Vì vậy, Sở Giao thông vận công chánh đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức nghiên cứu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tháo dỡ thanh chắn ngang vỉa hè nhằm đảm bảo sự thông thoáng, mỹ quan đô thị và thuận lợi cho người đi bộ, người khuyết tật lưu thông trên vỉa hè.

Hiện nay, mức xử phạt hành chính cho hành vi chạy lên vỉa hè đối với xe máy áp dụng mức 4-6 triệu đồng, trừ trường hợp xe đi vào nhà, cơ quan. Với ôtô, nếu chạy trên vỉa hè mà không vào nhà hay cơ quan sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Cô gái mặc áo yếm lái xe như diễn xiếc có ‘thoát’ xử phạt nhờ giấy chứng nhận tâm thần?

Nếu cô gái lái xe như diễn xiếc ở TPHCM thuộc nhóm không đủ điều kiện điều khiển xe máy sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm người giao xe.

Mạng xã hội những ngày qua lan truyền clip ghi lại cảnh một cô gái đi xe máy như diễn xiếc trên đường ở TPHCM. Cô gái này mặc váy ngắn, áo yếm đi xe máy thả 2 tay và múa lắc lư… Hành động của cô gái diễn ra trên đoạn đường có nhiều phương tiện đi cùng chiều khiến mọi người lo sợ.

Chiều 12/4, làm việc với cơ quan công an, cô gái trên thừa nhận mình là người trong clip, đồng thời cung cấp giấy xác nhận bị bệnh tâm thần.

di xe nhu xiec 50315.png
Hình ảnh cô gái lái xe như diễn xiếc trên đường phố TPHCM. Ảnh cắt từ clip 

Hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc – Hà Nội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 2, Điều 33, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rõ: “Người lái xe, người được chở trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cài quai đúng quy cách”.

Bên cạnh đó, điểm d, khoản 3, Điều 33 cũng quy định người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện hành vi buông cả hai tay.

“Như vậy, hành vi không đội mũ bảo hiểm, buông cả hai tay khi đang điều khiển xe máy của người phụ nữ trong clip lan truyền trên mạng gần đây đã vi phạm các quy định tại khoản 2 và điểm d, khoản 3, Điều 33, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Đối với các hành vi này, mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:

Đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (điểm h, khoản 2, Điều 7).

Đối với hành vi buông cả hai tay, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng (điểm a, khoản 8, Điều 6), đồng thời bị tước bằng lái xe từ 2 – 4 tháng (điểm c, khoản 10, Điều 6)”, luật sư Phạm Thanh Bình nêu.

Người tâm thần có được miễn trừ xử phạt? 

Luật sư Phạm Thanh Bình nêu, theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, điều khiển xe máy chuyên dùng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 36/2024/TT-BYT, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng:

Đối với hạng A1, B1 và người điều khiển xe máy chuyên dùng: Giai đoạn cấp tính hoặc đang tiến triển;

Đối với hạng A và B: Đã được điều trị ổn định hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng;

Đối với hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE: Đã được điều trị ổn định hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng.

Trở lại vụ việc cô gái xuất trình giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần, theo luật sư Phạm Thanh Bình, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý đang diễn biến tại giai đoạn nào cũng như xem xét hạng xe để đánh giá một người có đủ điều kiện lái xe hay không.

“Nếu cô gái đang trong giai đoạn bệnh lý cấp tính hoặc đang tiến triển sẽ không đủ điều kiện lái xe”, luật sư Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 11, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định một trong những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là: “Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính…”.

Như vậy, nếu người phụ nữ thuộc trường hợp không đủ điều kiện theo quy định tại Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, điều khiển xe máy chuyên dùng sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tùy thuộc vào từng trường hợp để xác định:

Chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (khoản 10, Điều 32, Nghị định 168/2024/NĐ-CP).

Trong trường hợp gây ra tai nạn, người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Theo quy định tại Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 – 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tối đa 7 năm.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI