Chu Hải

Hà Nội lắp 40.000 camera giám sát an ninh, quản lý giao thông

TP Hà Nội sẽ lắp đặt 40.000 camera giám sát, trong đó có hơn 23.700 camera đảm bảo an ninh và gần 16.250 camera phục vụ quản lý an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Đề án được triển khai trong giai đoạn 2025-2030, nhằm hoàn thiện Trung tâm thông tin chỉ huy và điều hành giao thông của Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) theo quyết định của Thủ tướng.

Mục tiêu của đề án là hỗ trợ công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực, đồng thời giám sát và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Hà Nội dự kiến lắp đặt thêm 40.000 camera giám sát. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Hà Nội dự kiến lắp đặt thêm 40.000 camera giám sát. (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Theo đề án, trong hơn 40.000 camera giám sát được lắp mới, có 12.000 chiếc PTZ (camera quan sát an ninh có thể điều hướng, phóng to và thu nhỏ hình ảnh) và khoảng 28.000 chiếc cố định (camera có góc quay cố định, không thể điều chỉnh được sau khi đã lắp đặt).

Trong số camera lắp mới, có hơn 23.700 camera giám sát đảm bảo an ninh, trật tự và xử lý vi phạm; gần 16.250 camera phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường, trật tự đô thị; khoảng 230 camera phục vụ quốc phòng.

Kinh phí lắp đặt camera được huy động từ ngân sách, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Thành phố khuyến khích việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai hệ thống camera giám sát trên địa bàn.

Hà Nội hiện có khoảng 19.400 camera đang hoạt động, trong đó gần 4.000 camera PTZ và 16.000 camera cố định với 33 chủng loại khác nhau. Ngoài ra, trên địa bàn có khoảng 100 vị trí lắp đặt camera giám sát tại các cửa ngõ, các tuyến đường trục chính phục vụ công tác giám sát tình hình giao thông, trật tự trên địa bàn.

Tai nạn liên hoàn giữa xe giường nằm, xe tải và xe đầu kéo khiến 1 người tử vong

 Sáng 19/1, trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa ba xe ôtô khiến một người tử vong, nhiều người bị thương nặng, giao thông bị ách tắc cục bộ.

Cụ thể, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ 50 phút tại Km1412+200 Quốc lộ 1. Thời điểm trên, xe tải mang biển kiểm soát 78H-010.89 (người điều khiển chưa xác định) di chuyển theo hướng Nam-Bắc thì va chạm với xe khách mang biển kiểm soát 79B-018.34 đang chuẩn bị rẽ qua làn đối diện tại điểm mở dải phân cách.

 Hiện trường vụ tai nạn

Sau cú va chạm, xe khách tiếp tục lao sang làn đường ngược chiều (hướng Bắc-Nam) và đâm vào xe container biển kiểm soát 36H-027.13 kéo theo rơ-moóc biển số 36R-028.91. Tai nạn đã khiến một người tử vong tại chỗ, đồng thời gây ách tắc giao thông một chiều trên tuyến Quốc lộ 1.

Bác sỹ Lê Quang Lệnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, thị xã Ninh Hòa cho biết đơn vị đã tiếp nhận 8 nạn nhân từ vụ tai nạn, trong đó có nhiều trường hợp chấn thương nặng.

Một bệnh nhân nữ (67 tuổi) bị gãy xương cẳng chân phải; một bệnh nhân nam (27 tuổi) gãy hai xương cẳng chân; tài xế xe khách (nam, 32 tuổi) bị gãy xương đòn, xương đùi, xương cẳng chân bên phải, nghi chấn thương sọ não. Một bệnh nhân nam (55 tuổi) gãy xương sườn và xương gò má phức tạp. Các trường hợp khác bao gồm chấn thương xương chậu, vết thương bàn chân và gãy xương đùi. Bệnh viện đang khẩn trương cấp cứu các nạn nhân.

Các cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa và tỉnh Khánh Hòa đang triển khai xử lý hậu quả vụ việc và tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

“Chở thú cưng bằng xe máy bị phạt theo Nghị định 168” là thông tin thất thiệt

Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ, không có quy định xử phạt hành vi chở thú cưng trên xe máy.

Mấy ngày gần đây, một số người cảm thấy lo lắng khi một vài website, trang Facebook đăng thông tin: “Đi xe máy chở thú cưng, tài xế có thể phạt phạt đến 14 triệu đồng”.

Thông tin này được nhiều người quan tâm và chia sẻ hàng loạt trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, nhiều người bày tỏ nếu chở thú cưng mà bị phạt như thông tin trên mạng thì việc vận chuyển chó, mèo ra đường như thế nào? Đơn cử như việc thú cưng bị bệnh cần chở đến các cơ sở thú y thì phải làm sao?

Một website và một Fanpae đưa thông tin chưa chính xác liên quan Nghị định 168/2024
Một website và một Fanpage đưa thông tin chưa chính xác liên quan Nghị định 168/2024, khiến nhiều người lo lắng. Ảnh chụp màn hình

Quy chiếu Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ 2024, tại điểm đ khoản 3 Điều 33 quy định: “Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được dẫn dắt vật nuôi”.

Trong Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, hoàn toàn không có Điều khoản nào quy định mức phạt với hành vi điều khiển xe máy.

Tại điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024 chỉ quy định xử phạt từ 600.000-800.000 đồng nếu người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, dây xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh.

Còn theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 168/2024, nếu người điều khiển xe máy có hành vi vi phạm nêu trên mà gây tai nạn giao thông, sẽ bị xử phạt từ 10-14 triệu đồng.

Như vậy, cả Luật và Nghị định đều không cấm và xử phạt đối với hành vi chở thú cưng bằng xe máy như các trang mạng đã thông tin.

Trong các văn bản nêu trên, cụm từ “dẫn dắt theo chó, mèo khi xe đang chạy trên đường” tức là người điều khiển phương tiện cầm dây dắt chó, hoặc chở theo người khác cầm dây dắt chó, mèo theo khi xe đang chạy.

Do đó, việc một số website, trang Facebook đưa thông tin xử phạt người đi xe máy chở thú cưng là không đúng với tinh thần của Nghị định 168/2024. Việc đưa thông tin không chính xác này có thể gây hoang mang trong dư luận xã hội và khiến người dân bất an.

Một vấn đề khác, dù không bị cấm và không bị xử phạt đối với hành vi chở thú cưng bằng xe máy. Tuy nhiên, khi người dân chở chó, mèo bằng xe máy cần phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn, như: rọ mõm, có dây cột hoặc nhốt thú cưng vào ba lô chuyên dụng, lồng… theo quy định.

Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc

Trong 10 ngày áp dụng Nghị định 168, Công an TP Vĩnh Yên phạt “nguội” với 362 ô tô vi phạm quy định về tốc độ và không chấp hành đèn tín hiệu giao thông.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông báo kết quả phát hiện, xử lý phạt nguội qua hệ thống camera giám sát giao thông.

Theo đó, từ ngày 1/1 – 10/1, qua hệ thống camera giám sát giao thông, Công an thành phố Vĩnh Yên phát hiện và xử phạt “nguội” đối với 362 trường hợp vi phạm Luật an toàn giao thông.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chủ phương tiện đến Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Vĩnh Yên để làm việc và thực hiện việc nộp phạt theo đúng quy định.

Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 1
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 2
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 3
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 4
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 5
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 6
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 7
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 8
Danh sách hơn 360 ô tô chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ bị phạt nguội ở Vĩnh Phúc - 9
Danh sách hơn 360 ô tô bị phạt nguội ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc).

Danh sách hơn 360 ô tô bị phạt nguội ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo danh sách trên, các phương tiện vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và điều khiển quá tốc độ.

Theo Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1/2025, người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 18 đến 20 triệu đồng và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Trường hợp người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 20 đến 22 triệu đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Đối với hành vi điều khiển ô tô chạy quá tốc độ cho phép sẽ có các mức xử phạt hành chính khác nhau.

Cụ thể, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 12 đến 14 triệu đồng.

Năm 2025, xe máy có bắt buộc phải gắn 2 gương chiếu hậu không?

Việc phạt không gương xe máy từ 2025 được áp dụng trong trường hợp không gương (cả gương bên trái và gương bên phải hoặc chỉ gắn gương bên phải) hoặc có gắn 2 gương nhưng không có tác dụng.

Tại Tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2024/BGTVT có quy định về gương chiếu hậu. Cụ thể:

Đối với xe gắn máy 2 bánh, 3 bánh phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với nhóm xe mô tô 2 bánh, 3 bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên) và xe mô tô 3 bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.

Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe phải đáp ứng được các yêu cầu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2024/BGTVT. Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh được vùng quan sát tại vị trí lái.

Bề mặt phản xạ của gương chiếu hậu phải có dạng hình lồi và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái hoặc tâm bề mặt phản xạ của gương phải cách mặt phẳng trung tuyến dọc của xe một khoảng tối thiểu là 280 mm.

Nếu gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.

Nếu gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm và phải nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Như vậy, tổng chung lại năm 2025 điều khiển xe máy không bắt buộc phải có 2 gương chiếu hậu. Nhưng nếu lắp gương không đạt các quy định trên sẽ bị phạt lỗi không gương.

Lỗi không gương xe máy từ 2025 bị phạt như thế nào?

Tại Điều 14 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định về lỗi không gương xe máy 2025 như sau:

Điều 14. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông.

1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng;

c) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;

d) Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

đ) Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

Như vậy, có thể thấy từ ngày Nghị định 168 có hiệu lực thi hành (1/1/2025) thì mức phạt không gương xe máy 2025 sẽ là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (quy định cũ là 100.000 – 200.000 đồng).

Việc phạt không gương xe máy 2025 được áp dụng trong trường hợp không gương (cả gương bên trái và gương bên phải hoặc chỉ gắn gương bên phải) hoặc có gắn 2 gương nhưng không có tác dụng.

Do đó, luật mới về gương xe máy 2025 thì xe máy lắp 1 gương bên trái (gắn có tác dụng cho việc quan sát) cũng sẽ không bị phạt.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI