Chu Hải

Báo tin vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng

Các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/vụ, việc.

Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước vừa có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua.

Nội dung đáng chú ý của nghị định là quy định về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT.

Báo tin vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng- Ảnh 1.

Năm 2025, CSGT sẽ tăng cường xử lý vi phạm giao thông qua nguồn tin báo của người dân.

Cụ thể, tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 176/2024 nêu rõ nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, khoản 3 Điều 7 của nghị định này quy định, mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ, việc.

Như vậy, từ ngày 1/1, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về TTATGT có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/1 vụ, việc.

Cũng theo nghị định nêu trên, từ ngày 1/1, mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự ATGT ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau), 1/2 ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Mức chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ, công chức, viên chức và các lực lượng khác tại địa phương trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự ATGT ban ngày không quá 100.000 đồng/người/ca, tối đa 10 ca/tháng.

Đối với ca đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau), 1/2 ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.

Báo tin vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng- Ảnh 2.

Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự ATGT ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca.

Lý giải về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh vi phạm giao thông, cơ quan soạn thảo nghị định cho rằng, mức chi hỗ trợ dành cho việc này rất quan trọng, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.

Tại Việt Nam, lực lượng CSGT tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân thông qua các kênh, mạng xã hội làm căn cứ xử phạt.

Nếu áp dụng chính sách này, mỗi người dân sẽ là một mắt xích hỗ trợ cảnh sát đảm bảo trật tự ATGT. Trường hợp cần thiết thì giữ bí mật danh tính người cung cấp thông tin.

Xem thêm>>>Tài xế sẽ bị trừ hết điểm bằng lái nếu vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2025

Hai ngày áp dụng mức phạt mới: Xử lý 6.000 “ma men”, gần 700 tài xế vượt đèn đỏ

Trong 2 ngày đầu năm 2025, công an các địa phương trên toàn quốc lập biên bản xử phạt 682 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hơn 6.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Tối 2/1, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong các ngày 1 – 2/1, công an các địa phương trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.

Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là 6.079 tài xế; vi phạm về tốc độ là 5.405 trường hợp; ma túy là 60 trường hợp.

Hai ngày áp dụng mức phạt mới: Xử lý 6.000 "ma men", gần 700 tài xế vượt đèn đỏ- Ảnh 1.

Hành vi điều khiển xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt đến 6 triệu đồng.

Riêng với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), công an các địa phương xử phạt 682 trường hợp. Ngoài ra, 2.808 trường hợp khác bị lập biên bản vì không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Cũng trong 2 ngày qua, lực lượng chức năng cả nước triển khai kế hoạch áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính mới theo quy định tại Nghị định 168/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).

Điển hình như hành vi điều khiển xe máy vượt đèn đỏ bị nâng mức phạt thành 4-6 triệu đồng, thay vì bị phạt 800.000 – 1 triệu đồng như trước. Hay như ô tô, tài xế vi phạm lỗi này sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (mức cũ là 4-6 triệu).

Xem thêm>>>Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt mới áp dụng từ 1/1/2025

Theo đại diện Cục CSGT, nghị định mới nêu trên được xây dựng trong bối cảnh tình hình TTATGT có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra.

Đáng chú ý, ý thức của một bộ phận tài xế chưa cao, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm TTATGT.

Cục CSGT nhấn mạnh thêm, việc tăng mức phạt tiền, kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc (tịch thu phương tiện, tước bằng lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe) là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện cần tuân thủ các quy định của Luật Trật tự ATGT đường bộ, tạo dần cho mình thói quen tốt như dừng xe lại khi đèn đỏ, không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia…

Bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi bằng lái?

Kể từ ngày 1/1 đến nay, đã có rất nhiều tài xế vi phạm giao thông bị xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Vậy khi bị trừ hết điểm, tài xế phải làm những gì để phục hồi bằng lái?

Tài xế phải “thi lại” những kiến thức gì?

Nghị định số 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX) có hiệu lực từ 1/1/2025 đã thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).

Bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi bằng lái?- Ảnh 1.

Mỗi hạng GPLX có 12 điểm theo quy định mới áp dụng từ năm 2025.

So với các quy định trước đây, Nghị định số 168/2024 lần đầu tiên áp dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông.

Theo quy định mới, mỗi loại bằng lái xe có 12 điểm, người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông tùy theo tính chất của hành vi sẽ bị trừ tối thiểu 2 điểm và tối đa 10 điểm.

Kể từ ngày 1/1 đến nay, đã có rất nhiều tài xế vi phạm giao thông, bị xử phạt tiền và trừ điểm GPLX.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển xe theo giấy phép đó.

Sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có bằng lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, do CSGT tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Để được phục hồi điểm GPLX, tài xế sẽ thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 65/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT.

Cụ thể, nội dung kiểm tra dành cho tài xế gồm: Lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự ATGT đường bộ căn cứ theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp GPLX; các bài mô phỏng những tình huống giao thông trên máy tính do Bộ Giao thông vận tải quy định.

Khi kiểm tra lý thuyết, người dự kiểm tra thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm. Đối với kiểm tra kiến thức theo mô phỏng, thí sinh xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.

Về thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả đạt yêu cầu, Thông tư số 65/2024 phân chia theo các hạng GPLX. Ví dụ như, người dự kiểm tra có GPLX hạng A, A1 và B1 làm bài trong 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt.

Người có GPLX hạng B làm bài kiểm tra trong 20 phút, gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu được tính là điểm liệt.

Đối với phần thi mô phỏng tình huống, Thông tư 65 quy định, thời gian kiểm tra không quá 10 phút, gồm 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông tương ứng với 10 điểm. Mỗi câu hỏi có số điểm tối đa là 5 điểm và tối thiểu 0 điểm.

Số điểm đạt được của người dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra đạt từ 35/50 điểm trở lên là đạt yêu cầu.

Ngoài ra, người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng. Còn người có kết quả kiểm tra lý thuyết đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra mô phỏng không đạt thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong thời gian 1 năm kể từ ngày kiểm tra.

Đáng chú ý, người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra trước đó.

Bị trừ hết 12 điểm, phải làm gì để phục hồi bằng lái?- Ảnh 2.

Bị trừ hết 12 điểm, người có GPLX sẽ phải đi kiểm tra kiến thức về TTATGT.

CSGT kiểm tra kiến thức thế nào?

Thông tư số 65 còn quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự ATGT, gồm Cục CSGT và Phòng CSGT công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để thực hiện, các đơn vị này sẽ bố trí phòng kiểm tra kiến thức, trang bị máy tính kết nối mạng WAN Bộ Công an đến máy chủ đặt tại Cục CSGT và phần mềm kiểm tra.

Các “phòng thi” còn có camera giám sát được toàn bộ hình ảnh trong phòng, có thiết bị lưu trữ dữ liệu hình ảnh camera.

Cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra kiến thức phải có GPLX mô tô hạng A và GPLX ô tô, được Cục CSGT tổ chức tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên.

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, việc quy định trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên về việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ.

“Mỗi lần bị trừ điểm như “tiếng chuông” cảnh báo tài xế chấp hành pháp luật tốt hơn. GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.

Chạy xe máy trên vỉa hè, thanh niên ‘giật mình’ khi mức phạt bằng gần nửa tháng lương

 Chạy xe máy trên vỉa hè, anh H.M.T đã bị Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TPHCM kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Với lỗi trên, theo Nghị định 168, anh T. sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên GPLX.

Sáng 2/1, Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TPHCM đã lập chốt chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại giao lộ đường Cộng Hòa – Út Tịch, quận Tân Bình.

Khoảng 9 giờ cùng ngày, anh H.M.T (SN 1995) chạy xe máy trên vỉa hè nên tổ công tác CSGT ra hiệu dừng xe kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Tại Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với lỗi vi phạm này anh T sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính từ 4 – 6 triệu đồng (trước đây phạt từ 400 đến 600 nghìn đồng) và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.

Một trường hợp bị CSGT xử lý.

Sau khi nghe CSGT thông báo về mức phạt theo Nghị định 168, anh T. giật mình và tỏ ra bất ngờ vì mức phạt quá cao. “Mức phạt này bằng gần nửa tháng lương của tôi rồi, từ nay về sau không bao giờ dám vi phạm nữa”, anh T. thốt lên.

Một trường hợp khác là anh H.V.H (SN 1990) điều khiển xe đi ngược chiều trên đường Cộng Hòa cũng bị lực lượng CSGT xử lý. Với lỗi vi phạm trên, anh H đã bị lập biên bản xử phạt hành chính 4-6 triệu đồng (trước đây là 1-2 triệu đồng) và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe. Ngoài ra, 2 trường hợp khác cũng bị lực lượng CSGT xử lý.

Nam tài xế bị CSGT xử lý theo Nghị định 168.

Trong thời gian tới, lực lượng CSGT TPHCM sẽ tập trung xử lý những trường hợp vi phạm như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, điều khiển xe đi ngược chiều, lái xe trên vỉa hè,… Đây là những lỗi vi phạm được tăng nặng mức xử phạt hành chính theo Nghị định 168.

Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, trong ngày đầu xử lý vi phạm theo Nghị định 168, đơn vị đã xử phạt hàng trăm trường hợp.

Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường (39 trường hợp); đi ngược chiều (12 trường hợp); vi phạm nồng độ cồn (6 trường hợp); vi phạm lỗi tốc độ (88 trường hợp); đi vào đường cấm (7 trường hợp); chở quá số người quy định (13 trường hợp); dừng, đỗ sai quy định (41 trường hợp)…

Số tiền xử phạt khoảng 400 triệu đồng. Các lỗi vi phạm đều được CSGT ghi hình ảnh kèm clip lại để đối chứng với người vi phạm.

Xem thêm>>Những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt mới áp dụng từ 1/1/2025

TPHCM: Nhiều người chạy xe máy vi phạm giao thông bị trừ điểm giấy phép lái xe

 Sáng 02/01, tại nút giao đường 3/2 – đường Lê Hồng Phong (Quận 10), Đội CSGT Bàn Cờ (thuộc Phòng CSGT, Công an TPHCM) đã lập chốt xử lý các trường hợp vi phạm giao thông và áp dụng xử phạt theo Nghị định 168/2024.

Hôm nay là ngày thứ 2 nghị định 168/2024 có hiệu lực, nghị định có một số hành vi vi phạm giao thông tăng mức xử phạt rất cao nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành tham gia giao thông. Mỗi người dân sẽ có 12 điểm GPLX trong 1 năm, sau mỗi lần vi phạm sẽ bị trừ điểm, khi điểm còn 0/12, buộc phải học và thi lại lý thuyết.

Tình trạng giao thông trên đường 3/2 – Lê Hồng Phong
Khoảng 9 giờ, anh P.Q.B điều khiển xe máy BS: 67L1-699.. trên đường 3/2, phát hiện đèn đỏ anh B. đã dừng xe lại, tuy nhiên, anh B. dừng xe bên ngoài vạch kẻ dành cho xe chờ đèn đỏ. CSGT yêu cầu anh B. dừng hành trình, dẫn xe vào lề để kiểm tra, lập biên bản vi phạm.

Trường hợp vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường”

Theo đó, anh B. vi phạm lỗi “không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường” với lỗi này anh B. bị xử phạt 300 nghìn đồng và trừ 2 điểm giấy phép lái xe.

CSGT phát hiện trường hợp sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông

Tiếp đó, CSGT phát hiện anh N.H.T.P điều khiển xe máy mang BS: 59F1-539… vừa lái xe vừa dùng tay sử dụng điện thoại nên đã ra hiệu lệnh yêu cầu anh P. dừng xe, cung cấp các thông tin liên quan để kiểm tra.

CSGT làm việc với người vi phạm

Được CSGT tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật an toàn giao thông và Nghị định 168/2024, anh P. đã ký vào biên bản vi phạm. Đồng thời, anh P. cho biết sẽ tuyên truyền nhắc nhở người thân, bạn bè cùng tuân thủ luật giao thông khi lái xe tránh những bị phạt hoặc gặp phải các sự cố đáng tiếc khác do vi phạm.

Đội CSGT Bàn Cờ lập chốt tại đường 3/2 – đường Lê Hồng Phong (Quận 10)

Lúc 9 giờ 40, tài xế xe công nghệ N.T.C và chị Đ.T.T điều khiển xe máy lên vỉa hè đoạn trước Việt Nam Quốc Tự bị tổ công tác xử phạt. Với lỗi đi xe máy trên vỉa hè, anh C. và chị T. bị xử phạt 5 triệu đồng, trừ 4 điểm trên GPLX.

Tài xế xe công nghệ N.T.C và chị Đ.T.T điều khiển xe máy lên vỉa hè

Anh C. cho biết, anh đã nghe thông tin về việc tăng mức xử phạt của nghị định mới, tuy nhiên khi được thông báo mức phạt của mình anh C. rất bất ngờ vì số tiền mình sẽ đóng phạt quá lớn.

Tôi chạy xe công nghệ hơn 10 năm, lần này là lần thứ 2 tôi bị CSGT xử lý vi phạm… Tại điểm nóng ùn tắc, tôi chỉ đi tạm thời trên vỉa hè một đoạn ngắn thôi mà bị phạt 5 triệu đồng là bài học quá đắt giá”, anh C. nói.

CSGT đã giải thích và tuyên truyền đến anh C. và anh C. đồng ý ký vào biên bản vi phạm.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI