Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, do cơ quan này chủ trì soạn thảo.

Tăng mức tiền phạt tối đa
Một trong những nội dung mới tại dự thảo là việc điều chỉnh tăng mức phạt tiền tối đa đối với nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa với các lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn xã hội (từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng); lĩnh vực cản trở hoạt động tố tụng; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao dịch điện từ, bưu chính (từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng) và bổ sung mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.
Theo Bộ Tư pháp, lý do tăng mức phạt tiền tối đa nêu trên để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện nay. Đồng thời, tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Về thời hiệu xử phạt hành chính, dự thảo luật thống nhất chung là 2 năm thay vì phân loại 1 năm và 2 năm như hiện nay. Đồng thời, cho phép thực hiện theo các luật khác nếu luật khác có quy định về thời hiệu xử phạt nhưng giới hạn tối đa không quá 5 năm.
Việc quy định cho phép các luật khác quy định thời hiệu xử phạt nhằm nâng cao tính chủ động trong việc quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế chính sách chủ động, linh hoạt, phù hợp với các yêu cầu, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên thực tế.
Đồng thời, việc tăng thời hiệu xử phạt nhằm cường hiệu quả, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý triệt để hành vi vi phạm trong bối cảnh vi phạm hành chính diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, tránh
Điều chỉnh mức phạt tiền được áp dụng không lập biên bản
Một trong những nội dung đáng chú ý khác của dự thảo là việc điều chỉnh mức phạt tiền được áp dụng hình thức xử phạt không lập biên bản.
Theo quy định hiện hành, xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng (với cá nhân), 500.000 đồng (với tổ chức). Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Riêng trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Trong dự thảo luật sửa đổi, Bộ Tư pháp đề xuất theo hướng xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi có mức tối đa của khung tiền đến 2,5 triệu đồng (với cá nhân), 5 triệu đồng (với tổ chức)…
Như vậy, thay vì căn cứ vào mức phạt đối với hành vi vi phạm (để áp dụng việc phạt tại chỗ) như Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì dự luật sử dụng mức tối đa của khung phạt tiền đối với hành vi vi phạm làm căn cứ.
Bộ Tư pháp giải thích rằng hiện nay, các hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đang được quy định theo hướng tăng khung tiền phạt, đồng thời, dự thảo Luật đang dự kiến quy định tăng mức tiền phạt tối đa đối với một số lĩnh vực trong xử phạt vi phạm hành chính.
“Bên cạnh đó, việc tăng mức tối đa của khung tiền phạt làm cơ sở để xác định xử phạt vi phạm hành chính không cần lập biên bản góp phần đơn giản hoá thủ tục xử phạt, giảm thiểu tối đa các trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính, tiết kiệm thời gian và nguồn lực”, bản thuyết minh kèm theo Tờ trình của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Bổ sung quy định về xử lý tang vật vi phạm hành chính
Đối với quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính theo Điều 126, dự luật đã bổ sung quy định về việc bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu có căn cứ cho rằng tang vật, phương tiện không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng.
Theo Bộ Tư pháp, quy định trên góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng “tồn đọng”, “quá tải” trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua.
Đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để “khơi thông nguồn lực” cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước.