Chiều 4/12, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lý Phương Thảo (SN 1986, trú quận 10, TP.HCM) 16 năm tù về tội “Mua bán người”.

Theo cáo trạng, Lý Phương Thảo là phiên dịch viên tiếng Trung, thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam – Campuchia.

Khoảng tháng 12/2020, thông qua quảng cáo trên mạng Internet, Thảo biết được một công ty Trung Quốc (chưa rõ tên công ty) đang có nhu cầu môi giới nhân lực nên đã liên hệ.

Bị cáo mua bán người Lý Phương Thảo tại phiên tòa
Bị cáo mua bán người Lý Phương Thảo tại phiên tòa

Qua trao đổi, Thảo biết nếu môi giới đưa được người đến làm việc tại công ty này thì sẽ được hưởng lợi từ 300 đến 500 USD/người. Thảo chỉ cần tìm người lao động và đưa đến công ty, còn mọi chi phí phát sinh trong quá trình chuyển giao người sẽ do phía công ty trả.

Ngày 3/12/2020, Thảo môi giới cho Trương Phương Khanh làm việc cho công ty Trung Quốc ở tỉnh Shihanuok (Campuchia).

Để lấy lòng tin, Thảo hứa hẹn về điều kiện làm việc như: Công việc là nhập dữ liệu và tìm, chăm sóc khách hàng. Lương tháng khoảng 850 đến 1.200 USD, được tăng lương sau 3 tháng, chi phí xuất cảnh và ăn ở sẽ do công ty lo liệu. Tết có thể được về thăm nhà.

Tin lời, Khanh rủ thêm 4 người thân khác cùng đi Campuchia. Lúc này, Thảo yêu cầu nhóm của Khanh vào TP.HCM, sau đó đi Tây Ninh rồi trốn sang Campuchia.

Đến được công ty tại Campuchia, nhóm của Khanh mới biết mình bị lừa. Còn Thảo đã nhanh chóng tách đoàn, tìm đường về nước để tiếp tục môi giới.

XEM THÊM>>Môi giới mại dâm bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Mua bán người lòng vòng 

Khi đến làm việc tại công ty, nhóm của Khanh bị quản lý tịch thu giấy tờ và yêu cầu ký vào một số giấy tờ bằng tiếng Campuchia hoặc tiếng Trung Quốc (chưa rõ nội dung của các giấy tờ này). Sau đó, nhóm của Khanh bắt đầu làm việc theo sự phân công của quản lý người Trung Quốc tại công ty.

Công việc của họ không như Thảo hứa hẹn, mà phải tư vấn, hướng dẫn người chơi nạp tiền chơi game online với mức lương 500 – 600 USD/tháng. Nếu không làm đủ thời gian, người làm phải đền bù từ 1.000-2.000 USD cho công ty.

Đáng nói, người lao động không được về nhà, phải làm việc từ 11-12 giờ/ngày, họ sinh hoạt trong khu vực khép kín, phía tầng dưới của công ty có hàng rào và luôn có bảo vệ không cho phép ra ngoài.

Những người làm không hiệu quả, không nghe lời quản lý người Trung Quốc thì bị bán sang công ty khác.

Cáo trạng xác định, sau vụ việc trên, Thảo tiếp tục chuyển thêm 4 người khác sang Campuchia cho công ty Trung Quốc. Tổng cộng, từ ngày 8/12 đến 20/12/2020, Thảo đã lừa đưa 9 người Việt Nam cho công ty Trung Quốc, hưởng lợi 2.700 USD.

TIN HOT>>Sập bẫy “mỹ nữ” Bắc Giang qua mạng

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn mua bán người

Để chủ động phòng tránh với tội phạm mua bán người, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác, nhất là đối với các hành vi thủ đoạn sau:

Tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại; liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Hay đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại, đặc biệt là các đối tượng dùng nhiều số điện thoại khác nhau, hoặc liên lạc qua mạng xã hội. Dụ dỗ, hứa hẹn tìm những công việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ. Giả danh lực lượng chức năng để đe dọa nạn nhân, không hẹn làm việc tại các cơ quan nhà nước mà hướng dẫn gặp riêng bên ngoài. Công việc, địa điểm làm việc mà các đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm mua, bán người cần chủ động tố giác tội phạm, phối hợp đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này.

XEM THÊM>>Mức xử phạt tội mua bán người mới nhất