Chu Hải

Tổ chức giao thông sẽ được thực hiện ngay từ bước thiết kế dự án

Sắp tới, việc tổ chức giao thông tại bất kỳ địa điểm, cung đường, dự án nào đều phải thực hiện nay từ bước quy hoạch, lập dự án đầu tư và thiết kế dự án.

Luật Đường bộ 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 quy định: Việc tổ chức giao thông được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư, xây dựng đến giai đoạn quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Tổ chức giao thông sẽ được thực hiện ngay từ bước thiết kế dự án- Ảnh 1.Một đoạn cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh
Tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ quy định cụ thể về tổ chức giao thông được thực hiện trong các giai đoạn: lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế (sau thiết kế cơ sở), trước khi đưa đường bộ vào khai thác và giai đoạn khai thác, sử dụng; quy định tổ chức giao thông tại các đoạn đường thi công xây dựng trên đường bộ đang khai thác; lập thẩm định phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trước khi đưa vào khai thác.

Lý giải điều này, ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, tổ chức giao thông là tập hợp các biện pháp nhằm điều chỉnh các hoạt động giao thông quy định tại Luật Đường bộ như: phân làn, phân luồng, phân tuyến; quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ… nhằm tăng khả năng thông xe, hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

Theo ông Điệp, tổ chức giao thông phải có nguyên tắc chung và được thực hiện ngay từ khâu tổ chức thiết kế, xây dựng mạng lưới giao thông theo từng vùng, miền, từng khu vực, từng đô thị gắn với tổ chức mạng giao thông trong cả nước… để đảm bảo cho hoạt động giao thông được an toàn, thuận tiện, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển.

Ông Lê Hồng Điệp cũng cho biết, trước đây, các bước tổ chức giao thông chưa được cụ thể hóa trong các văn bản phạm pháp luật. Nghị định lần này quy định các công việc cụ thể, là rõ các công việc phải làm trong tổ chức giao thông từ bước đầu tiên là giai đoạn lập dự án, thiết kế và đưa công trình vào khai thác. Ví dụ, số lượng, vị trí, loại biển báo hiệu sẽ được cụ thể hóa ở ngay khâu thiết kế, thuận tiện cho quá thi công.

Tổ chức giao thông trong giai đoạn quy hoạch bao gồm các yếu tố như đánh giá nhu cầu vận tải thời kỳ quy hoạch, xác định các tuyến đường, quy mô đường bộ trong các quy hoạch.

Giai đoạn thiết kế gồm: Thiết kế chi tiết các loại báo hiệu đường bộ đối với từng đoạn đường, nút giao, đảm bảo quy mô, kỹ thuật công trình thuộc về quy chuẩn báo hiệu đường bộ.

Tổ chức giao thông trong giai đoạn lập dự án, thiết kế công trình đường bộ bao gồm: Xác định mục tiêu phục vụ của dự án, phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ. Xác định quy mô, số lượng, hình thức nút giao; phương hướng bố trí báo hiệu đường bộ, chiếu sáng, hệ thống quản lý giao thông thông minh.

Trong giai đoạn khai thác yêu cầu quản lý, đơn vị quản lý theo dõi, phát hiện các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các bất cập về tổ chức giao thông, các điểm hay xảy ra ùn tắc để có giải pháp điều chỉnh khắc phục các bất cập.

“Các quy định tổ chức giao thông lần này được quy định toàn diện, cụ thể hơn, rõ người, rõ việc. Ở giai đoạn quy hoạch sẽ xác định tổng thể luồng tuyến, nhu cầu vận tải. Giai đoạn lập dự án sẽ xây dựng những giải pháp quy mô công trình, vị trí nút giao. Những công việc này thực hiện để đáp ứng mục tiêu ở giai đoạn quy hoạch. Cụ thể hóa bằng các bản vẽ, khối lượng cụ thể để đầu tư xây dựng công trình”, ông Điệp cho hay.

Theo ông Đặng Văn Chung, Chi hội trưởng Chi hội Vận tải hàng siêu trường siêu trọng (Hiệp hội Vận tải ô tô VN), một trong những yêu cầu và điều kiện nghiêm ngặt khai thác đường bộ là phải đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông.

Do đó, cần tuân thủ nghiêm việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật từ các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông.

Từ 2025, bỏ xuất trình giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng khi đăng kiểm ô tô

Từ ngày 1/1/2025, chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm dù là xe trả góp cũng không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, vẫn được cơ sở đăng kiểm tiếp nhận kiểm định.

Theo quy định hiện hành, hồ sơ đăng kiểm định kỳ xe ô tô thế chấp ngân hàng thay vì đăng ký xe bản chính, chủ xe cần xuất trình bản sao chứng nhận đăng ký xe cùng giấy biên nhận thế chấp bản chính của tổ chức tín dụng có dấu đỏ (còn hiệu lực). Trong đó, các thông tin trên bản sao chứng nhận đăng ký xe phải nhìn rõ, không bị che mờ.

Từ 2025, bỏ xuất trình giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng khi đăng kiểm ô tô- Ảnh 1.Từ 1/1/2025, chủ xe ô tô trả góp khi đi đăng kiểm không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng (ảnh minh hoạ).

XEM THÊM>>Ô tô quá hạn đăng kiểm có thể bị phạt lên đến 22 triệu đồng

Tuy nhiên, theo quy định từ Thông tư 47/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người dân có ô tô trả góp, thế chấp ngân hàng khi đưa xe đi kiểm định lần đầu hay kiểm định định kỳ cũng không còn phải xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính giấy đăng ký xe của ngân hàng hay tổ chức tín dụng nữa.

Cụ thể, với ô tô kiểm định lần đầu, chủ xe cần nộp văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị); bản chà số khung, số động cơ của xe; bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Đồng thời xuất trình giấy tờ vế đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe.

Đối với ô tô có các thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định số 44/2016, Thông tư bổ sung quy định phải xuất trình thêm giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính).

Với ô tô kiểm định định kỳ, hồ sơ tương tự như ô tô kiểm định lần đầu, ngoại trừ việc không cần phải nộp các giấy tờ như: bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Lý giải về việc bỏ giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết, do không có quy định nào của pháp luật yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này khi thực hiện kiểm định phương tiện. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, chủ xe, doanh nghiệp khi đưa xe đi đăng kiểm.

Việc bổ sung xuất trình giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực đối với các thiết bị theo Nghị định 44/2016 nhằm đảm bảo chủ xe phải tuân thủ thực hiện Nghị định 44/2016, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm định khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường được đảm bảo toàn diện đối với các trường hợp xe lắp đặt các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Ngồi nhà nộp phạt giao thông

Sau khi có quyết định xử phạt vi phạm giao thông, tài xế có thể ngồi tại nhà để nộp phạt trực tuyến qua dịch vụ công ở mức độ 4, không phải đến cơ quan công an để làm việc này.

Nộp phạt ngay tại nơi thường trú

Một ngày giữa tháng 12/2024, chị P.T.H (SN 1983, trú quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) bất ngờ nhận được thông báo phạt nguội vi phạm giao thông khi tra cứu thông tin trên trang web của Cục CSGT.

Ngồi nhà nộp phạt giao thông- Ảnh 1.

Quy trình nộp phạt nguội giúp người vi phạm giao thông thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với việc trực tiếp đi nộp phạt.

Dữ liệu của cơ quan chức năng thể hiện, chiếc xe ô tô mang biển số 30H-913.XX của chị bị phát hiện chạy quá tốc độ quy định vào ngày 5/2/2024, cách thời điểm chủ xe tra cứu online 10 tháng. Cơ quan phát hiện vi phạm là lực lượng CSGT tuần tra trên tuyến quốc lộ 1A, thuộc Công an tỉnh Ninh Thuận.

“Khi phát hiện xe dính phạt nguội, tôi đang ở Hà Nội và rất băn khoăn khi nơi vi phạm xảy ra cách đó hàng nghìn km”, chị H chia sẻ và tỏ ra lo ngại nếu phải vượt quãng đường dài đi nộp phạt.

Sau khi liên hệ với CSGT nơi xảy ra vi phạm và tra cứu thêm thông tin, nữ chủ xe càng tỏ ra bất ngờ hơn khi biết mình hoàn toàn có thể đến làm thủ tục nộp phạt nguội ngay tại nơi thường trú.

Vài ngày sau, chị H đến trụ sở Đội CSGT – Trật tự Công an quận Hoàn Kiếm xuất trình các loại giấy tờ xe. Tại đây, cán bộ chức năng đã hướng dẫn chị toàn bộ thủ tục để được nộp phạt trực tuyến qua cổng dịch vụ công ở mức độ 4.

Sau gần một tuần có quyết định xử phạt và bị tạm giữ bằng lái xe qua ứng dụng VNeID, chủ phương tiện nhận được thông báo từ cổng dịch vụ công và tiến hành nộp phạt trực tuyến.

“So với cách làm trước đây, những thủ tục được thực hiện qua cổng dịch vụ công rất nhanh chóng, thuận tiện”, chị H chia sẻ.

 Xóa lỗi phạt nguội sau 15 phútTrước đó vào cuối tháng 11/2024, anh P.V.G (SN 1970, trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) mang xe ô tô biển kiểm soát 30H-829.XX đến trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội thì được đơn vị này thông báo phương tiện còn “nợ” một lỗi phạt nguội chưa được giải quyết.

Tiến hành tra cứu, anh G thấy hồi đầu tháng 3/2024 khi lái xe trên quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Thuận, phương tiện của mình bị lực lượng chức năng sở tại phát hiện và lập biên bản với lỗi chạy quá tốc độ quy định.

Ngay trong buổi sáng 24/11, anh G đến trụ sở Đội CSGT – trật tự Công an quận Cầu Giấy để làm thủ tục xóa lỗi phạt nguội. Tại đây, chỉ sau khoảng 15 phút kê khai trực tuyến, anh G nhận được quyết định xử phạt hành chính và nộp phạt trực tuyến qua cổng dịch vụ công.

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ, anh G được cơ quan công an nơi thường trú cấp giấy xác nhận đã nộp phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ đi đăng kiểm theo quy định.

Quy trình xử lý đơn giảnTrung tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, hiện quy trình xử phạt nguội phương tiện vi phạm giao thông đang thực hiện theo Thông tư số 15/2022 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 65/2020 ngày 19/6/2020.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cán bộ chức năng thuộc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm phải xác định thông tin về phương tiện và chủ phương tiện có liên quan.

Trường hợp chủ xe không cư trú tại địa bàn xảy ra vi phạm, cán bộ chức năng chuyển kết quả vi phạm kèm hình ảnh cho công an cấp huyện nơi người đó cư trú để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

“Như vậy, trường hợp của 2 tài xế nêu trên hoàn toàn có thể đến công an quận nơi cư trú để được giải quyết. Khi làm việc, họ chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (hoặc qua VNeID) và giấy đăng ký phương tiện bản gốc”, trung tá Trung cho biết.

Sau khi có quyết định xử phạt vi phạm giao thông, tài xế vi phạm được nộp phạt theo một trong các cách quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt giao thông; chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt; nộp phạt qua Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Chỉ huy Đội CSGT – trật tự, Công an quận Cầu Giấy cho hay, đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý rất nhiều trường hợp nộp phạt nguội vi phạm giao thông tại nơi thường trú.

Quy trình xử lý nộp phạt nguội vi phạm giao thông tại nơi thường trú cũng rất đơn giản, sau khi xác minh được người và phương tiện vi phạm, kết quả phạt nguội sẽ được gửi thẳng về trụ sở công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm.

Ngoài ra, khi nhận được thông báo phạt nguội, người vi phạm cần đến trụ sở cơ quan công an nơi thường trú để nhận quyết định xử phạt. Sau khi nhận quyết định, người dân hoàn toàn có thể nộp phạt bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua cổng dịch vụ công mức độ 4.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Thông tư số 18/2023 nêu rõ, trường hợp quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Xem Thêm>>>Chương trình Bác sĩ vui vẻ và những chuyện dí dỏm về sức khoẻ

Nghe tin thất thiệt, người dân Quảng Ngãi ồ ạt đi đổi GPLX

Nghe thông tin không chính xác về thời hạn GPLX các loại, người dân Quảng Ngãi ồ ạt đi cấp đổi khiến bộ phận tiếp nhận hồ sơ quá tải.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX quá tải

Thời gian qua, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT Quảng Ngãi tại Trung tâm Phục vụ – Kiểm soát thủ tục hành chính luôn trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày có hàng trăm lượt người đổ về làm hồ sơ xin cấp đổi GPLX các loại.

Nghe tin thất thiệt, người dân Quảng Ngãi ồ ạt đi đổi GPLX- Ảnh 1.

Quầy tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX của Sở GTVT Quảng Ngãi luôn trong tình trạng chật như nêm nhiều tuần qua.

Ghi nhận cho thấy, hai băng ghế dài ở khu vực bộ phận một cửa Sở GTVT Quảng Ngãi luôn chật cứng. Phần lớn đến làm hồ sơ đề nghị cấp đổi lại GPLX A1 vì sợ qua ngày 31/12/2024, GPLX hiện hữu sẽ hết hạn sử dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Vy, trú tại phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi nộp hồ sơ vào bộ phận tiếp nhận để cấp đổi lại GPLX mới. Trong đơn, ông Vy đề nghị cấp đổi GPLX máy mới hạng A1.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ và xét thấy GPLX của ông Vy còn nguyên vẹn, không phai mờ hay có dấu hiệu hư hỏng nào cần phải cấp đổi lại nên cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích để ông Vy hiểu.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vy cho hay, qua thông tin trên mạng xã hội có thông tin “sau ngày 31/12/2024, GPLX đang sử dụng sẽ không còn hiệu lực và sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt nếu tham gia giao thông“.

“Tôi lo lắng vì thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều, nếu chậm trễ sẽ bị phạt nên mới lặn lội mưa gió đi cấp đổi. Đến nơi chờ đợi thì mới hay là GPLX của tôi được cấp vô thời hạn, không có chuyện sẽ bị xử lý khi tham gia giao thông như trên mạng xã hội”, ông Vy nói.

Cũng như ông Vy, trong hơn 1 tuần qua cán bộ tiếp nhận hồ sơ Sở GTVT Quảng Ngãi đã giải thích cho cả nghìn lượt trường hợp đến đề nghị cấp đổi GPLX A1 và các loại GPLX khác để họ yên tâm vì thời hạn ngày 1/1/2025 đã đến gần.

Phần lớn người dân sau khi được giải thích đã hiểu rõ vấn đề và không còn băn khoăn, vui vẻ ra về. Nhiều người cho biết, họ nghe thông tin trên mạng xã hội “nếu không thực hiện cấp đổi trước ngày 1/1/2025, GPLX sẽ không còn giá trị sử dụng” nên đã vội vã đi đổi.

Nghe tin thất thiệt, người dân Quảng Ngãi ồ ạt đi đổi GPLX- Ảnh 2.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở GTVT Quảng Ngãi đã cấp đổi và cấp mới hơn 43.000 GPLX các loại.

Theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ Sở GTVT Quảng Ngãi, quyền hạn cấp đổi GPLX của công dân là đúng, luật không cấm. Song do GPLX còn hiệu lực và đảm bảo để sử dụng nên giải thích để người dân hiểu không nên cấp đổi vì vừa tốn tiền lại tạo áp lực cho cơ quan chức năng.

“Người dân chỉ đổi, cấp lại GPLX khi gần hết hạn hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng. Còn lại cứ theo thời gian ghi trên GPLX mà sử dụng, không có vấn đề gì cả”, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiên trì giải thích.

Thông tin không chính xác

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc người dân ồ ạt đi cấp đổi GPLX là do thời gian qua có nhiều trang mạng xã hội đưa tin thất thiệt, không chính xác. Trong đó nổi bật là thông tin “GPLX hạng A1 sử dụng bìa cũ bắt buộc phải đi đổi, nếu không sẽ không được tham gia giao thông” khiến người dân hoang mang.

Ngoài ra, nhiều thông tin không chính xác liên quan việc tích hợp hồ sơ cá nhân, trong đó có GPLX vào ứng dụng định danh điện tử VNeID nên người dân ồ ạt đi đổi GPLX.

Đồng thời, một số khác người dân nghe ngóng thông tin phân hạng GPLX ô tô theo Luật Trật tự ATGT đường bộ và Thông tư 35. Cụ thể, GPLX đang sử dụng không tương ứng với Luật mới sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thuý Na – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Quảng Ngãi khẳng định: Thông tin trên mạng xã hội là tin đồn thất thiệt, không đúng.

Theo bà Na, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (hiệu lực thi hành từ 1/1/2025), quy định mới thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe đã nêu rất chi tiết, cụ thể từng vấn đề.

Để cụ thể, Sở có công văn gửi các địa phương, ban ngành đề nghị tuyên truyền hướng dẫn nhưng một bộ phận người dân nghe theo tin đồn hoặc những thông tin không chính thống trên mạng xã hội nên đã tranh thủ đổi GPLX dẫn đến số lượng hồ sơ tăng gần 50% so với cùng kỳ trước khi Luật có hiệu lực.

Nghe tin thất thiệt, người dân Quảng Ngãi ồ ạt đi đổi GPLX- Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không nên nghe thông tin thất thiệt trên mạng xã hội trong việc cấp đổi GPLX.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay Sở GTVT Quảng Ngãi đã tiếp nhận, cấp đổi GPLX các loại cho hơn 43.000 trường hợp. Dự kiến trong vài ngày còn lại của năm 2024 phải giải quyết cho khoảng 2.000 trường hợp khác.

Đối với thông tin về mẫu GPLX có hiệu lực từ 1/1/2025 chia làm 2 giai đoạn. Ngày 1/1/2025 sẽ có mẫu mới. Sau đó, bắt đầu từ 1/1/2026 lại có mẫu mới khác. Mẫu 2025 tương đồng với GPLX đang sử dụng. Còn mẫu 2026 sẽ có màu hồng nhạt.

“Nghe đổi mẫu nên người dân ồ ạt đi đổi. Tuy nhiên, theo quy định nếu GPLX còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục sử dụng bình thường. Mẫu mới chỉ áp dụng cho người thi lấy GPLX mới. Chỉ có GPLX nào hư hỏng, mất hoặc hết hiệu lực sử dụng thì người dân mới đi cấp đổi, còn lại không nên tin lời đồn thất thiệt trên mạng xã hội dẫn đến tốn kém chi phí, thời gian”, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Quảng Ngãi khẳng định.

TP.HCM: Metro đón gần 190.000 người trải nghiệm trong hai ngày đầu vận hành

Trong hai ngày vận hành chính thức, tuyến metro số 1 đón gần 190.000 người đi trải nghiệm. Đơn vị khai thác khuyến cáo người dân không nên tập trung quá đông tại ga Bến Thành, nhất là dịp lễ, Tết.

Ngày 24/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, đơn vị khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) thông tin về tình hình hoạt động của tuyến trong ngày thứ 2 chạy thương mại.

 

TP.HCM: Metro đón gần 190.000 người trải nghiệm trong hai ngày đầu vận hành- Ảnh 1.

Gần 39.000 người đi metro số 1 trong ngày vận hàng thứ 2. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo công ty, ở ngày thứ 2, nhu cầu tham quan và trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đã giảm ở các ga trên cao nhưng vẫn còn đông khách tại ga Bến Thành (quận 1, TP.HCM).

Theo thống kê, trong ngày 23/12, tuyến metro số 1 đã sử dụng 9 đoàn tàu với tổng 200 chuyến, phục vụ 38.751 khách. Bình quân mỗi đoàn tàu chở 193 người. Giãn cách bình quân giữa các chuyến 8 – 12 phút/chuyến, tùy theo giờ bình thường và giờ cao điểm.

Như vậy, trong hai ngày đầu khai thác thương mại, tuyến metro số 1 đã đón gần 190.000 khách, một con số rất lớn so với dự kiến của đơn vị khai thác. Trong đó, ngày đầu tiên có tới 150.000 người đi metro với 177 chuyến.

TP.HCM: Metro đón gần 190.000 người trải nghiệm trong hai ngày đầu vận hành- Ảnh 2.

Metro số 1 nhận được sự hưởng ứng từ người dân TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo đơn vị quản lý, ga Bến Thành đang là điểm thu hút chính của tuyến metro, rất nhiều người dân đến trải nghiệm phương tiện công cộng này. Tuy nhiên, việc tập trung đông người cùng lúc có thể gây ra tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến lưu thông và trải nghiệm của hành khách.

Do đó, đơn vị sẽ phối hợp điều tiết hành khách, phân luồng người ra vào nhà ga, đặc biệt tại các cửa kiểm soát vé.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 khuyến khích hành khách tránh đi vào các khung giờ cao điểm như 6h30 – 8h30 buổi sáng, 17h – 19h buổi chiều nếu không cần thiết.

Trong dịp cuối tuần, tết Dương lịch tới đây, dự kiến lượng người đi metro sẽ rất đông nên người dân lưu ý, lựa chọn lịch trình phù hợp để có thể trải nghiệm metro một cách thuận lợi nhất. Người dân nên tận dụng các ga lân cận hoặc các điểm kết nối để lên tàu thay vì tập trung quá đông tại ga Bến Thành.

TP.HCM: Metro đón gần 190.000 người trải nghiệm trong hai ngày đầu vận hành- Ảnh 3.

Người dân thành phố vui vẻ xếp hàng lên metro. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Đặc biệt, người dân cần tuân thủ quy định tại các nhà ga như không chen lấn, xô đẩy ở các lối vào, thang cuốn hoặc trên tàu; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu vực nhà ga và tuân thủ hướng dẫn của nhân viên; không tụ tập, chụp ảnh hoặc đứng lâu tại các khu vực công cộng, tránh ảnh hưởng đến luồng di chuyển của những người khác…

Được biết, để phục vụ tốt nhất cho người dân trong các dịp lễ Tết sắp tới, đơn vị quản lý metro sẽ đề xuất chủ đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét tăng tần suất các chuyến metro.

Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ xin chủ trương về việc đặt các máy bán nước tự động để phục vụ người dân. Việc này dự kiến sẽ thực hiện trước tết Âm lịch.

Từ ngày 23/12 trở đi, tuyến metro số 1 sẽ chạy 200 lượt tàu/ngày (gồm 100 lượt đi, 100 lượt về).

Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5h, chuyến cuối cùng xuất bến lúc 22h. Thời gian giãn cách mỗi chuyến, giờ cao điểm 8 phút/chuyến, giờ thấp điểm 12 phút/chuyến.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI