Xe & luật

Kiểm soát học lý thuyết lái xe trực tuyến 2025

Thay vì phải học tập trung, từ ngày 1/1/2025, người học lái xe máy được tự học lý thuyết, còn người học lái xe ô tô được lựa chọn học tập trung hoặc học từ xa.

Nhiều lựa chọn hình thức học

Là người đang có nhu cầu học lái xe ô tô hạng B, nghe tin tới đây người học sẽ được tự lựa chọn hình thức học lý thuyết tập trung hay từ xa, anh Nguyễn Xuân Hòa (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra vui mừng.

Kiểm soát học lý thuyết lái xe trực tuyến- Ảnh 1.

Thông tư 35/2024 quy định đối với đào tạo lái xe các hạng mô tô sẽ cho phép người học tự học các môn lý thuyết.

“Tôi đang đi làm giờ hành chính từ 8h – 17h mỗi ngày, không thể xin nghỉ làm để đi học lái xe được. Giờ nếu được học online, rảnh giờ nào tôi học giờ đó, tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại”, anh nói.

Nội dung mà anh Hoà nhắc tới chính là quy định tại Thông tư 35/2024 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vừa được Bộ GTVT ban hành. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, người lái, Cục Đường bộ VN, Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành cho phép đào tạo học nghề theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến, từ xa. Nhưng Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ cho phép không học tập trung đối với các hạng GPLX không thời hạn. Còn các hạng GPLX có thời hạn bắt buộc học tập trung.

Trong khi đó, Luật Trật tự ATGT đường bộ (hiệu lực từ ngày 1/1/2025) giao Chính phủ quy định các hình thức đào tạo lái xe khác. Vì thế, tại Thông tư 35/2024 đã quy định đối với đào tạo lái xe các hạng mô tô sẽ cho phép người học tự học các môn lý thuyết, sau đó đăng ký sát hạch. Nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp GPLX.

Với người học các hạng GPLX ô tô, ngoài hình thức học tập trung tại các cơ sở đào tạo, cho phép người học lựa chọn các hình thức: một là học tập trung, hai là học trực tuyến.

Người học cũng có thể học từ xa, tự học có hướng dẫn qua các ứng dụng công nghệ thông tin, qua các phần mềm của các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện. Người học truy cập vào phần mềm và tự học vào các thời gian phù hợp, miễn là đảm bảo học đủ nội dung và thời gian theo quy định sẽ được tham dự kiểm tra, chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo. Khi hoàn thành khóa đào tạo được phép tham dự các kỳ sát hạch để được cấp GPLX.

Xem Thêm>>>Những trường hợp bắt buộc thi lại Giấy phép lái xe nếu không muốn bị xử phạt

Kiểm soát chất lượng thế nào?

Ông Khương Kim Tạo, Chi hội trưởng Chi hội Đào tạo, sát hạch cấp GPLX (Hiệp hội Vận tải ô tô VN) cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển, phần lý thuyết cho học online là hợp lý. Học viên sử dụng máy tính, điện thoại tự học, trao đổi kiến thức với người dạy, người học khác mọi lúc, mọi nơi. Quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc học thực chất, hiệu quả.

Ông Tống Văn Thuận, giáo viên Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, có thể sử dụng các bài thi sát hạch lý thuyết thường xuyên thông qua hệ thống, ứng dụng để học viên kiểm tra. Đích cuối cùng là làm sao học viên phải nắm chắc được lý thuyết trước sát hạch.

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, khi dạy và học online, bài giảng phải thiết kế khác nhiều so với học tập trung. Học liệu, phương pháp giảng dạy cũng phải cải tiến. Việc đánh giá, sát hạch học viên học online cần thực hiện theo từng giai đoạn, không phải đến cuối kỳ mới thực hiện.

Trong khi đó, ông Lương Duyên Thống thông tin, phần mềm online phải đảm bảo quản lý được đúng người học, học viên học đủ thời gian, nội dung chương trình. Đơn vị đào tạo sẽ xây dựng phần mềm học online đảm bảo được các yếu tố này, trình sở GTVT duyệt mới được phép áp dụng. Vì vậy, không lo giảm chất lượng đào tạo.Các nước dạy lái xe trực tuyến thế nào?

Các nước trên thế giới đã tiến hành dạy lái ô tô online từ rất lâu, đem lại hiệu quả cao. Ví dụ ở Mỹ, người dân có nhu cầu thi bằng lái được tự học lý thuyết ở nhà thông qua mạng hoặc tài liệu được nơi tổ chức thi cấp. Đến khi muốn thi, họ đăng ký thi lý thuyết, tập thực hành rồi đăng ký thi thực hành.

Tại Nga đã áp dụng dạy lái ô tô online với lịch học linh hoạt để tất cả học viên đều có thể thoải mái lựa chọn lịch học cho phù hợp với thời gian của mình. Một học viên chỉ mất hai tháng để hoàn thành khóa học.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, những bộ câu hỏi thường xuất hiện trong bài thi lý thuyết đi kèm với các video bài giảng cũng được bày bán ở các hiệu sách để tất cả mọi người đều có thể tự học ở nhà mà không cần phải đến lớp. Người dân Hàn Quốc hoàn toàn có thể đăng ký thi để cấp bằng lái xe sau khi học hết các câu hỏi được tổng hợp trong sách.

Tăng tuổi tối đa của người lái xe từ 1/1/2025

Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe bus) trên 29 chỗ, xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi với nữ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về “Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 59, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe bus) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Tăng tuổi tối đa của người lái xe từ 1/1/2025 - Ảnh 1
 Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Xem Thêm>>>Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết

Dạy học sinh kỹ năng lái xe máy, ngăn tai nạn

Chỉ trong thời gian ngắn, cả nước xảy ra gần 2.000 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 783 người và bị thương hơn 2.000 người. Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất để ngăn thực trạng này là kiến thức và kỹ năng lái xe gắn máy cho các em.

Báo động TNGT lứa tuổi học sinh

Khoảng 11h45 ngày 6/12, hai nam sinh điều khiển xe máy lưu thông trên QL1B đoạn qua huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), do không làm chủ tay lái dẫn đến cả người và xe đều ngã. Đúng lúc này, xe tải BKS 20C-109.56 lưu thông theo chiều ngược lại đi đến, chèn qua. Hậu quả khiến một học sinh tử vong, một em bị thương nặng.

Dạy học sinh kỹ năng lái xe máy, ngăn tai nạn- Ảnh 1.

Việc hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh sẽ được triển khai ngay khi bắt đầu vào học THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 17/10, trên quốc lộ 279 đoạn qua xã Lê Lợi (TP Hạ Long) xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa xe máy chở ba người và hai ô tô, khiến hai nam sinh lớp 9 tử vong, một em bị thương.

Theo thống kê của Cục CSGT, trong 10 tháng đầu năm 2024, có gần 70% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra tại các địa phương trên toàn quốc liên quan đến xe máy. Lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 90.000 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ trên 50.000 xe mô tô. Trong đó, có khoảng hơn 45.000 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển loại phương tiện này.

Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra gần 2.000 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, làm chết 783 người và bị thương hơn 2.000 người, tăng hơn 170 vụ so với cùng kỳ.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Cục CSGT, những hành vi vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh lái xe gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không có giấy phép lái xe phù hợp. Đây là thực trạng đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các vụ TNGT liên quan lứa tuổi học sinh gia tăng.

PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, trường Đại học GTVT nhìn nhận, hầu hết học sinh, đặc biệt lứa tuổi từ 16-18 đều chưa được trải qua một khóa học chuyên nghiệp và đầy đủ về cách sử dụng xe gắn máy và lưu thông như thế nào để an toàn trên đường.

Đáng chú ý, tình trạng phụ huynh còn thờ ơ, nuông chiều, cho phép con điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và chưa có kỹ năng cũng là nguyên nhân khiến TNGT liên quan đến học sinh gia tăng.

Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT – trật tự Công an TP Bắc Giang cho biết, việc CSGT phối hợp tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT cho học sinh, sinh viên đã được Đội triển khai thực hiện tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp tác tích cực, cũng còn trường không thực sự quan tâm, điển hình như trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang. Số lượng học sinh của trường này chiếm đến 90% số học sinh vi phạm giao thông xử lý mỗi tuần. Thậm chí, khi lực lượng chức năng gửi thông báo yêu cầu phối hợp xử lý học sinh vi phạm cũng không thấy phản hồi.

Siết kỹ năng lái xe cho học sinh

Nghị định 151 của Chính phủ vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định cụ thể hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh sẽ được triển khai ngay khi bắt đầu vào học trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các kỹ năng sẽ được đào tạo cho học sinh bao gồm: Phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe; cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp kiểm tra xe an toàn; văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới…

Bên cạnh đó, học sinh còn được hướng dẫn thực hành tư thế lên ngồi lái xe, xuống xe an toàn; Khởi hành, điều chỉnh tốc độ phù hợp, dừng xe an toàn; lái xe theo 4 hình mẫu: Đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cân, đi qua đường gồ ghề.

Nghị định cũng nêu rõ, thời gian hướng dẫn và đánh giá kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo hướng dẫn của cơ quan CSGT trực tiếp thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, việc quy định học sinh phải học và đạt đánh giá về kỹ năng lái xe gắn máy an toàn trước khi điều khiển phương tiện này là cần thiết, tiệm cận với quy định tại các nước phát triển trên thế giới.

Cùng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, quy định trên rất cần thiết, lấp khoảng trống quy định pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.

Theo ông Tạo, cần nghiên cứu việc cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh, làm cơ sở để lực lượng chức năng kiểm tra khi học sinh tham gia giao thông trên đường.

Một chuyên gia giao thông đề xuất, cần gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo TTATGT liên quan lứa tuổi học sinh. Nếu cơ sở giáo dục để học sinh vi phạm nhiều mà không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở giáo dục này.

Theo Trung tá Tôn Văn An, quy định mới sẽ là cơ sở để lực lượng chức năng tiếp tục đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp triển khai.

Đối với các nội dung kiến thức cũng như các bài học kỹ năng, khi triển khai không gặp vướng mắc bởi đây đều là những nội dung đơn vị từng phối hợp với kỹ thuật viên các nhà sản xuất xe máy, công an các phường, xã triển khai hướng dẫn tại các trường học trên địa bàn.

Mặt khác, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và lực lượng CSGT bởi nếu không có sự hợp tác, lực lượng CSGT rất khó triển khai.

Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết

Chương trình đào tạo xe ô tô điện khác với xe ô tô số sàn cho nên khi được cấp giấy phép lái xe ô điện thì cá nhân sẽ không được phép điều khiển xe số sàn.

Tại Thông tư 35/2024/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), Bộ Giao thông Vận tải đã có nội dung quy định về đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng B cho người lái xe số tự động, xe điện.

Cụ thể, giấy phép lái xe của xe ô tô điện sẽ ghi hạng B, kèm theo chú thích trên bằng lái là “Cấp cho người chỉ được điều khiển xe ô tô chuyển số tự động, bao gồm cả xe ô tô điện”. Và bằng này có mã số là B.01.

Đồng thời chương trình đào tạo xe ô tô điện khác với xe ô tô số sàn cho nên khi được cấp giấy phép lái xe ô điện thì cá nhân sẽ không được phép điều khiển xe số sàn.

Lưu ý, trường hợp người đã có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cấp trước ngày 01/01/2025 sẽ được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B, ghi là: “Cấp cho người chỉ được điều khiển xe ôtô chuyển số tự động (bao gồm cả xe ô tô điện)”. Còn người đã có gấy phép lái xe hạng B1, B2 cấp trước ngày 01/01/2025 thì được đổi sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg

Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025), bằng B1 (cấp cho không hành nghề lái ôtô đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) sẽ được gộp thành hạng B.

Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết- Ảnh 1.

Xe ô tô điện sẽ có giấy phép lái xe riêng từ năm 2025, ai cũng nên biết (ảnh minh họa).

Chương trình đào tạo giấy phép lái xe dành cho ô tô điệnCụ thể, chương trình đào tạo giấy phép lái xe dành cho ô tô điện từ ngày 1/1/2025 sẽ giống như chương trình đào tạo giấy phép lái xe hạng B của xe chuyển số tự động với những nội dung như sau:

SỐ TT

NỘI DUNG

ĐƠN VỊ TÍNH

HẠNG GIẤY PHÉP LÁI XE

DÀNH CHO Ô TÔ ĐIỆN

I. Đào tạo lý thuyết

giờ

136

1

Pháp luật về giao thông đường bộ

giờ

90

2

Cấu tạo và sửa chữa thông thường

giờ

8

3

Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông

giờ

10

Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

giờ

4

4

Kỹ thuật lái xe

giờ

20

5

Học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông

giờ

4

II. Đào tạo thực hành

giờ

67

1

Thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái của 01 học viên

giờ

41

2

Thời gian thực hành lái xe trên đường giao thông của 01 học viên

giờ

24

3

Số giờ thực hành trên ca bin học lái xe ô tô/01 học viên

giờ

2

4

Tổng quãng đường đào tạo thực hành của 01 học viên

km

1000

Trong đó

Quãng đường học thực hành lái xe trên sân tập lái của 01 học viên

km

290

Quãng đường thực hành lái xe trên đường giao thông của 1 học viên

km

710

III. Tổng thời gian đào tạo

giờ

203

Kiểm tra các môn học lý thuyết và học thực hành tại cơ sở đào tạo lái xe, để được xét hoàn thành khóa đào tạo, gồm:

– Kiểm tra khi kết thúc môn học lý thuyết theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết, nội dung bộ câu hỏi gồm các môn học: pháp luật về giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; đạo đức, văn hoá giao thông, phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kỹ thuật lái xe; mô phỏng các tình huống giao thông.

– Kiểm tra khi kết thúc môn học thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.

– Nội dung, hình thức kiểm tra khi kết thúc môn học do người đứng đầu cơ sở đào tạo lái xe quyết định. Người học lái xe được kiểm tra kết thúc môn học khi tham dự tối thiểu 70% thời gian học các môn lý thuyết; học đủ thời gian và tối thiểu 50% số km học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường.

– Điểm đánh giá kết quả học tập nội dung lý thuyết của học viên theo thang điểm 10 (từ 1 đến 10), có tính đến hàng thập phân 1 con số; đối với nội dung kiểm tra môn học thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn được đánh giá theo Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT.

– Xét hoàn thành khóa đào tạo: người học lái xe có 100% các bài kiểm tra khi kết thúc môn học trong chương trình đào tạo có điểm kiểm tra đạt mỗi môn học từ 5,0 điểm trở lên.

Lưu ý, quá thời hạn 1 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo lái xe tổ chức xét hoàn thành khóa đào tạo lần đầu mà học viên không đủ điều kiện để được xét hoàn thành khóa đào tạo thì học viên phải được đào tạo lại theo khóa đào tạo mới.

Từ 2025, bỏ xuất trình giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng khi đăng kiểm ô tô

Từ ngày 1/1/2025, chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm dù là xe trả góp cũng không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, vẫn được cơ sở đăng kiểm tiếp nhận kiểm định.

Theo quy định hiện hành, hồ sơ đăng kiểm định kỳ xe ô tô thế chấp ngân hàng thay vì đăng ký xe bản chính, chủ xe cần xuất trình bản sao chứng nhận đăng ký xe cùng giấy biên nhận thế chấp bản chính của tổ chức tín dụng có dấu đỏ (còn hiệu lực). Trong đó, các thông tin trên bản sao chứng nhận đăng ký xe phải nhìn rõ, không bị che mờ.

Từ 2025, bỏ xuất trình giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng khi đăng kiểm ô tô- Ảnh 1.Từ 1/1/2025, chủ xe ô tô trả góp khi đi đăng kiểm không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng (ảnh minh hoạ).

XEM THÊM>>Ô tô quá hạn đăng kiểm có thể bị phạt lên đến 22 triệu đồng

Tuy nhiên, theo quy định từ Thông tư 47/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người dân có ô tô trả góp, thế chấp ngân hàng khi đưa xe đi kiểm định lần đầu hay kiểm định định kỳ cũng không còn phải xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính giấy đăng ký xe của ngân hàng hay tổ chức tín dụng nữa.

Cụ thể, với ô tô kiểm định lần đầu, chủ xe cần nộp văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị); bản chà số khung, số động cơ của xe; bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Đồng thời xuất trình giấy tờ vế đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe.

Đối với ô tô có các thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định số 44/2016, Thông tư bổ sung quy định phải xuất trình thêm giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính).

Với ô tô kiểm định định kỳ, hồ sơ tương tự như ô tô kiểm định lần đầu, ngoại trừ việc không cần phải nộp các giấy tờ như: bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Lý giải về việc bỏ giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết, do không có quy định nào của pháp luật yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này khi thực hiện kiểm định phương tiện. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, chủ xe, doanh nghiệp khi đưa xe đi đăng kiểm.

Việc bổ sung xuất trình giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực đối với các thiết bị theo Nghị định 44/2016 nhằm đảm bảo chủ xe phải tuân thủ thực hiện Nghị định 44/2016, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm định khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường được đảm bảo toàn diện đối với các trường hợp xe lắp đặt các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI