Xe & luật

Tài xế vừa lái xe khách vừa chơi game đối diện mức phạt nào?

Các quy định hiện hành nghiêm cấm việc tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, trừ điểm bằng lái, thậm chí trong một số trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mạng xã hội đang lan truyền clip về một tài xế xe khách giường nằm vừa lái xe vừa chơi game, thậm chí có lúc còn hô to khi chiến thắng trong ván game.

Đoạn clip thu hút rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Cộng đồng mạng đều bày tỏ phẫn nộ vì cho rằng tài xế xe khách coi thường tính mạng của hành khách.

Vào cuộc xác minh, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định xe khách trong vụ việc trên mang biển số 38B-012.XX và tài xế điều khiển xe này thuộc nhà xe Thái Học có trụ sở tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Xác nhận với VietNamNet, đại diện nhà xe Thái Học cho biết, ngay sau khi phát hiện tài xế vừa lái xe vừa dùng điện thoại chơi game, phía công ty đã ra quyết định đình chỉ công việc đối với tài xế và chờ công an xử lý theo quy định.

z6426086678142 1749f57852372a8251d4490e04bf295a 106521.jpg
Tài xế xe khách giường nằm vừa lái xe vừa chơi game. Ảnh: Cắt từ clip 

Về tình huống trên, luật sư Nguyễn Đức Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe bị nghiêm cấm. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, trừ điểm giấy phép lái xe, thậm chí trong một số trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 168 quy định rõ mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái ô tô, xe máy, xe đạp và các phương tiện giao thông khác.

Cụ thể, tại điểm h, khoản 5, Điều 6, Nghị định 168 nêu rõ mức phạt hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe đối với người điều khiển ô tô, xe chở người hoặc xe chở hàng có gắn động cơ khi vi phạm quy định giao thông. Mức phạt tiền dao động từ 4 – 6 triệu đồng đối với hành vi “dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khi đang điều khiển phương tiện di chuyển trên đường”.

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 16, Điều 6, Nghị định 168 quy định về trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển ô tô cũng áp dụng đối với hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Như vậy, bên cạnh mức phạt tiền, tài xế vi phạm còn bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.

“Vẫn theo quy định tại Nghị định 168, trong trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe gây tai nạn, tài xế bị trừ 10 điểm và phạt tiền từ 20 – 22 triệu đồng. Thậm chí trong trường hợp gây ra tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ”Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 của Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm tù”, luật sư Hưng nói.

Trở lại trường hợp tài xế vừa lái xe vừa chơi game, luật sư cho rằng đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm, coi thường tính mạng của nhiều hành khách ngồi trên xe. Do đó, cơ quan chức năng cần xử nghiêm để ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn

Một chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại về hiện tượng tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Hành vi này sẽ làm giảm khả năng quan sát, phản xạ khi tham gia giao thông.

Bởi vì khi sử dụng điện thoại, tài xế không thể tập trung vào việc quan sát xung quanh, đặc biệt trong các tình huống giao thông bất ngờ như xe đột ngột dừng lại, hoặc người đi bộ băng qua đường… Việc này khiến người lái xe khó phản ứng kịp thời với các tình huống trên đường.

Mặt khác, việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại làm giảm sự tập trung của tài xế vào việc điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến việc không giữ được tay lái chắc chắn. Điều này tăng nguy cơ xảy ra va chạm với các phương tiện khác hoặc mất lái, đặc biệt khi di chuyển trên những đoạn đường khó hoặc khi gặp tình huống giao thông phức tạp.

“Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại khi lái xe là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Do đó, các tài xế nên tự ý thức về nguy hiểm tiềm ẩn của việc sử dụng điện thoại khi lái xe, đồng thời cần xây dựng thói quen lái xe an toàn.

Nếu phải thực hiện cuộc gọi hoặc kiểm tra tin nhắn quan trọng, tài xế nên tìm một nơi an toàn để dừng xe, chẳng hạn như khu vực đỗ xe hoặc bãi đỗ, trước khi sử dụng điện thoại”, chuyên gia này khuyến cáo.

Hơn 3.500 vi phạm liên quan xe khách bị xử lý từ đầu năm 2025

Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý 3.548 trường hợp vi phạm giao thông liên quan vận tải xe khách trên địa bàn, phạt tiền ước tính hơn 2,7 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách chạy sai lộ trình đón, trả khách ở nhiều tuyến đường tại các quận trên địa bàn thành phố, trong đó có một số nhà xe như Long Vân, An Anh, Hùng Cường… đón trả khách nhộn nhịp ngay trước cửa văn phòng nhà xe, nhất là sau 22h đêm.

Hơn 3.500 vi phạm liên quan xe khách bị xử lý từ đầu năm 2025- Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo kinh tế – xã hội TP.HCM chiều 20/3, thượng tá Nguyễn Thăng Long – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng CSGT phối hợp Công an các địa phương liên quan tiến hành kiểm tra những khu vực bị phản ánh; đồng thời mời chủ phương tiện, tài xế bị phản ánh để làm việc, làm rõ hành vi vi phạm.

Qua đó, đã lập biên bản 11 trường hợp vi phạm và cho ký cam kết. Ngoài ra, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý 3.548 trường hợp vi phạm giao thông trên địa bàn, phạt tiền ước tính hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong đó, có 2.219 trường hợp dừng, đỗ không đúng quy định; 134 trường hợp đón, trả khách không đúng quy định; 39 trường hợp vi phạm liên quan hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách; 15 trường hợp không chạy đúng tuyến đường lịch trình, không có hoặc không mang theo lệnh vận chuyển; 1.141 trường hợp các hành vi vi phạm khác.

Hơn 3.500 vi phạm liên quan xe khách bị xử lý từ đầu năm 2025- Ảnh 2.

Từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử lý 3.548 trường hợp vi phạm giao thông liên quan xe khách.

Công an TP.HCM đang thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trong đó có các hành vi vi phạm trong dừng, đỗ, đón, trả khách… không đúng quy định của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách.

Thượng tá Long cho biết, Công an TP cũng đã bố trí cán bộ tiếp nhận phản ánh liên quan đến tình hình TTATGT của người dân trên các ứng dụng như: CSGT, VNeID, VNeTraffic, 1022, Công dân số TP.HCM, TTGT, Help 114… để kịp thời giải quyết, xử lý theo đúng quy định, thẩm quyền và xem xét xử lý trách nhiệm (nếu có) của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sĩ liên quan đến tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Các lỗi về dây đai an toàn khiến ô tô trượt đăng kiểm?

Dây đai an toàn là một giải pháp cực kỳ hữu ích được trang bị trên ô tô nhằm đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe ô tô.

Đường dây nóng Báo Xây dựng nhận được câu hỏi từ bạn đọc về việc dây đai an toàn bị hỏng chốt cài, không cài được. Liệu đưa xe đi đăng kiểm có đạt hay không?

Các lỗi về dây đai an toàn khiến ô tô trượt đăng kiểm?- Ảnh 1.

Kiểm tra dây đai an toàn là một trong những hạng mục bắt buộc trong kiểm định xe cơ giới (ảnh minh họa).

Về vấn đề này, đại diện một cơ sở đăng kiểm tại Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2025, kiểm định xe cơ giới lưu hành được thực hiện theo quy định tại QCVN 122:2024/BGTVT.

Trong đó, kiểm tra dây đai an toàn là một trong những hạng mục kiểm tra bắt buộc.

Trường hợp dây đai an toàn không đầy đủ theo quy định, lắp đặt không chắc chắn; dây bị rách, đứt; dây bị kẹt, không kéo ra, thu vào được; cơ cấu hãm không giữ chặt dây khi giật dây đột ngột, khoá cài tự mở là những hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MaD).

Do đó, ô tô bị trượt hạng mục kiểm tra về dây đai an toàn, trượt đăng kiểm.

Trường hợp của bạn đọc Báo Xây dựng là một trong những lỗi hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng trên, do đó, ô tô đi đăng kiểm sẽ bị trượt kiểm định.

Để tránh mất thời gian, tốn kém thêm chi phí, chủ xe cần đưa ô tô đi khắc phục lỗi về dây đai an toàn, rồi mới đưa xe đi kiểm định.

Cũng theo đại diện cơ sở đăng kiểm, theo QCVN 122:2024, chỉ có trường hợp dây đai an toàn có khóa cài đóng mở không nhẹ nhàng được xếp vào lỗi hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng (MiD). Với lỗi này, ô tô vẫn đạt kiểm định nếu các hạng mục kiểm tra còn lại đều đạt.

Các lỗi về dây đai an toàn khiến ô tô trượt đăng kiểm?- Ảnh 2.

Dây đai an toàn giúp ngăn người ngồi trên xe bị đẩy khỏi xe khi va chạm hoặc bị lật, đảm bảo an toàn cho người trên ô tô khi tham gia giao thông (ảnh minh họa).

Ai ngồi, nằm trên ô tô đều phải thắt dây đai an toàn

PGS.TS Nguyễn Thành Công, trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, dây an toàn giúp ngăn người ngồi trong xe bị đẩy ra khỏi xe khi va chạm hoặc nếu xe bị lật; không bị nhào người va đập về phía trước khi va chạm hoặc dừng xe đột ngột.

Một thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, khi xảy ra tai nạn giao thông, người ngồi ghế trước sẽ giảm 45-50% nguy cơ tử vong, 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng nếu thắt dây an toàn. Đối với người ngồi hàng ghế sau, việc thắt dây an toàn cũng giúp giảm đến 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương. Hiện có 111 quốc gia có quy định về dây an toàn với tất cả hành khách trên ô tô.

Tại Việt Nam, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định: Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2024) có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng quy định tất cả các ghế/giường nằm trên xe ô tô phải trang bị dây đai an toàn. Trong đó, ghế lái phải trang bị dây đai an toàn loại 3 điểm trở lên. Các ghế khác phải trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại 2 điểm.

Như vậy, Việt Nam cũng quy định bắt buộc bất kỳ ai ngồi, nằm trên xe ô tô tham gia giao thông đều phải thắt dây an toàn.

Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 chi tiết, đầy đủ.

Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 chi tiết, đầy đủ? Thời hạn của các giấy phép lái xe hiện nay là bao lâu?

Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 chi tiết, đầy đủ?

Căn cứ theo Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có quy định cụ thể như sau:

Điều 89. Quy định chuyển tiếp

[…]

3. Trường hợp người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có nhu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe thì thực hiện như sau:

[…]

đ) Giấy phép lái xe hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B với điều kiện hạn chế là chỉ được điều khiển xe ô tô số tự động;

e) Giấy phép lái xe hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg;

g) Giấy phép lái xe hạng C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg;

h) Giấy phép lái xe hạng D được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D2 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg;

i) Giấy phép lái xe hạng E được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng D và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải trên 3.500 kg;

Theo đó, người có giấy phép lái xe B2 được cấp trước ngày 01/01/2025 nếu có nhu cầu được đổi sang giấy phép lái xe hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg.

Dưới đây là hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 mọi người có thể tham khảo:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đổi giấy phép lái xe bao gồm:

– Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVI ban hành kèm theo Thông tư 35/2024/TT-BGTVT;

– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cấp còn hiệu lực.

– Bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc của giấy phép lái xe hoặc Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp;

Bước 2: Đến Sở Giao thông vận tải tỉnh thành mình đang cư trú để đổi giấy phép lái xe

*Lưu ý: Hiện nay cổng dịch vụ công Quốc gia chưa hỗ trợ đổi từ bằng B1, B2 sang C1, mà sẽ mặc định đổi sang bằng B. Cho nên, nếu có nhu cầu đổi từ bằng B2 sang C1 thì cần đến Sở Giao thông vận tải nơi cư trú. Còn nếu chuyển từ B2 sang B thì có thể thực hiện online theo hướng dẫn sau:

Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến Cục đường bộ Việt Nam theo đường link như sau: https://dvc4.gplx.gov.vn/

Bước 2: Tại trang chủ, bấm chọn “Đổi giấy phép lái xe”

Bước 3: Đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VNeID

Bước 4: Điền các thông tin theo yêu cầu và nộp hồ sơ trực tuyến. Theo đó, tiếp tục chọn hình thức nhận kết quả.

Bước 5: Sau khi xác nhận nộp hồ sơ thành công (kiểm tra thông tin xác nhận tại email đã cũng cấp) thì thực hiện thanh toán phí đổi giấy phép lái xe là 150.000 đồng thông qua ngân hàng hoặc ví điện tử.

Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 online chi tiết, đầy đủ?

Hướng dẫn đổi giấy phép lái xe B2 lên C1 chi tiết, đầy đủ? (Hình từ Internet)

Thời hạn của các giấy phép lái xe hiện nay là bao lâu?

Theo quy định khoản 5 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, thời hạn của các giấy phép lái xe hiện nay như sau:

– Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn.

– Giấy phép lái xe hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

– Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.

Đào tạo lái xe được quy định như thế nào?

Căn cứ tại Điều 60 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định việc đào tạo lái xe như sau:

[1] Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe phải được đào tạo nội dung lý thuyết và thực hành theo chương trình đào tạo quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.

[2] Người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe.

[3] Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện đối với những đối tượng sau đây:

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng C1 hoặc lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C1 lên hạng C hoặc lên hạng D1 hoặc lên hạng D2.

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D1 hoặc lên hạng D2 hoặc lên hạng D.

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D1 lên hạng D2 hoặc lên hạng D.

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D2 lên hạng D.

– Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B lên hạng BE, từ hạng C1 lên hạng C1E, từ hạng C lên hạng CE, từ hạng D1 lên hạng D1E, từ hạng D2 lên hạng D2E, từ hạng D lên hạng DE.

[4] Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe khi giấy phép lái xe còn hiệu lực, phải có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; đối với việc nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D1, D2, D thì người có nhu cầu được đào tạo còn phải có trình độ từ trung học cơ sở trở lên.

[5] Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE phải được đào tạo bằng hình thức đào tạo nâng hạng theo các điều kiện tại mục [3]

[6] Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định; có giáo trình, giáo án; thực hiện đào tạo theo đúng hình thức, nội dung và chương trình quy định cho từng hạng giấy phép lái xe.

[7] Chính phủ quy định chi tiết các hình thức đào tạo lái xe khác tại [2]; quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đánh giá để cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép xe tập lái; quy định tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe; quy định việc cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy lái xe; quy định việc cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe.

[8] Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo lái xe, thời gian lái xe an toàn cho từng hạng giấy phép lái xe quy định tại [4] và quy định tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo lái xe mô tô; đối với cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ xây dựng quy chuẩn khí thải xe máy

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị hỗ trợ trong quá trình xây dựng bộ quy chuẩn khí thải thì Cục luôn sẵn sàng.

Tại cuộc họp về lộ trình áp dụng các quy chuẩn Việt Nam về khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành vào chiều qua (13/3), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc áp dụng quy chuẩn khí thải trước hết tại một số khu vực, tuyến đường phố trọng điểm ở Hà Nội và TPHCM, nơi có mức ô nhiễm không khí cao.

Bộ Xây dựng, Bộ Công an được giao phối hợp với Hà Nội, TPHCM rà soát, cập nhật quy hoạch hạ tầng giao thông (tuyến đường, bến, điểm đỗ) để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng; thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp, người đi bộ, xe máy; tăng cường truyền thông về tác hại của phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí…

xe may12 1 472 51891.jpg
Kiểm định khí thải xe máy. Ảnh: Tư liệu 

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có trên 70 triệu xe máy đăng ký. Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính. Riêng Hà Nội có hơn 7 triệu xe máy, trong đó xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58%. Đây là nguyên nhân làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí.

Cơ quan chức năng cho biết, xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất. Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe sử dụng trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành, còn xe dùng trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

Trong khi đó, xe dùng trên 10 năm tại cả 3 thành phố trên đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn.

Ủng hộ việc kiểm định khí thải xe máy, một chuyên gia giao thông cho rằng đây là việc làm cần thiết bởi thực tế xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu ở nước ta. Theo vị chuyên gia này, không dễ để kiểm định gần 70 triệu xe máy nhưng vẫn cần phải triển khai sớm.

“Càng kéo dài mốc thời gian thực hiện sẽ càng gây khó khăn trong quá trình thực thi do lượng xe máy có tuổi đời trên 5 năm sẽ tăng lên”, vị chuyên gia này nói.

Tại cuộc họp vào chiều 13/3, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho rằng Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe máy đang lưu hành là quy định có liên quan đến số lượng, chủng loại xe máy rất lớn, tác động trực tiếp đến đa số người dân nên cần có thêm thời gian đánh giá tác động, cũng như xây dựng lộ trình áp dụng, cơ sở vật chất để kiểm định khí thải.

Trao đổi thêm với VietNamNet về vấn đề trên, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục sẽ phối hợp với Bộ NN&MT để xây dựng lộ trình triển khai. Nếu Bộ NN&MT đề nghị hỗ trợ trong quá trình xây dựng bộ quy chuẩn thì Cục luôn sẵn sàng.

Đối với ý kiến có thể triển khai sớm việc kiểm định khí thải xe máy ở Hà Nội, TPHCM, ông An cho rằng các cơ quan phải họp bàn để đưa ra cách thức thực hiện. Tuy nhiên, đến lúc này Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được nội dung cụ thể.

Theo Thông tư 47/2024 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng), xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải.

Xe từ 5 – 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hằng năm.

Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe.

Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI