Ví dụ: 29A12345

Tra cứu mức phạt

Tra cứu mức phạt

Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân

Cùng xuphat.com tìm hiểu về Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021.

Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân
Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 137/2015/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2015 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BẰNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2021/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2021

Căn cứ Luật Căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 (sau đây viết gọn là Nghị định số 137/2015/NĐ-CP) về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công an các đơn vị, địa phương.

2. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

Chương II

THU THẬP, CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA THÔNG TIN CÔNG DÂN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ; MÃ SỐ TRONG SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN; THÔNG BÁO SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN VÀ THÔNG TIN CÔNG DÂN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ; HỦY, XÁC LẬP LẠI SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN

Điều 3. Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân qua Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư

1. Việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân qua Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư được thực hiện thông qua công tác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, cấp thẻ Căn cước công dân và trực tiếp từ công dân.

2. Việc cập nhật, chỉnh sửa thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được Trưởng Công an cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) phê duyệt.

3. Khi có yêu cầu thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Công an cấp xã tiến hành phát phiếu, hướng dẫn công dân kê khai, thu Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư; tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân kê khai với giấy tờ pháp lý, giấy tờ hộ tịch của người được thu thập.

Trường hợp thông tin về công dân đã đầy đủ, chính xác thì Cảnh sát khu vực, Công an xã ký xác nhận, trình Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu.

Trường hợp thông tin về công dân chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác thì yêu cầu công dân kê khai bổ sung, chỉnh lý và xuất trình các giấy tờ có giá trị pháp lý làm căn cứ xác thực thông tin.

Trường hợp thông tin của công dân không đồng nhất thì Công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp với công dân, cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó, sau khi xác định thông tin chính xác của công dân thì Cảnh sát khu vực, Công an xã ký xác nhận, trình Trưởng Công an cấp xã ký, đóng dấu. Trường hợp không đủ căn cứ để phê duyệt thì thông báo và đề nghị công dân bổ sung, hoàn thiện.

4. Công an cấp xã tiến hành cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong thời hạn 02 ngày làm việc phải chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư cho Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện) để lưu vào tàng thư hồ sơ cư trú.

5. Khi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát hiện thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bị thiếu, có sai sót hoặc không phù hợp thì yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú kiểm tra, rà soát tính chính xác của thông tin; chỉnh sửa, bổ sung thông tin của công dân khi có đủ căn cứ.

Điều 4. Mã số trong số định danh cá nhân

1. Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Số Căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân; các trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số Căn cước công dân, số định danh cá nhân trong Giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

3. Mẫu Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) được in trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công dân sử dụng Thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 6. Hủy, xác lập lại số định danh cá nhân

1. Trường hợp xác lập lại số định danh cá nhân do công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú yêu cầu công dân đó cung cấp giấy tờ, tài liệu hộ tịch chứng minh việc đã được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh để kiểm tra, xác minh, bổ sung vào hồ sơ quản lý và gửi yêu cầu đề nghị xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

2. Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Sau khi quyết định hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an phải cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

4. Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú gửi thông báo bằng văn bản cho công dân về số định danh cá nhân mới được xác lập lại.

5. Cơ quan Công an tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân sử dụng số định danh cá nhân mới được xác lập lại trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện việc cấp Căn cước công dân theo quy định.

Chương III

CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 7. Thu thập, cập nhật thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm thu thập, cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân qua công tác thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2. Thông tin của công dân thu thập qua công tác thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân phải bảo đảm đầy đủ, chính xác và đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.

Điều 8. Cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Các trường hợp được cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

b) Cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

c) Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

d) Công dân được cung cấp thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

đ) Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

2. Thủ tục cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị, nêu rõ mục đích, nội dung, phạm vi thông tin cần cung cấp, cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp. Trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải có văn bản đồng ý có công chứng hoặc chứng thực của công dân được đề nghị cung cấp thông tin và được sự đồng ý của người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư này.

b) Công dân có nhu cầu cung cấp thông tin của mình thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ Căn cước công dân để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác, người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Thông tư này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản kết quả khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Điều 9. Thẩm quyền cho phép cung cấp, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (trừ thông tin về ảnh chân dung và vân tay) của công dân đang thường trú trong phạm vi cấp huyện.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (trừ thông tin về ảnh chân dung và vân tay) của công dân đang thường trú trong phạm vi cấp tỉnh.

3. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cho phép cung cấp thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc; cho phép kết nối, chia sẻ thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với các cơ sở dữ liệu khác sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.

Chương IV

CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 10. Tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

1. Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2. Trường hợp công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị. Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Điều 11. Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

1. Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.

2. Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

3. Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.

4. Tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có).

5. Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

6. Trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan Công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.

Điều 12. Xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân

1. Mã QR code trên thẻ Căn cước công dân có lưu thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số Căn cước công dân, số Chứng minh nhân dân của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân.

2. Trường hợp trong mã QR code trên thẻ Căn cước công dân không có thông tin về số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ cho công dân khi có yêu cầu.

Trường hợp thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cũ của công dân không có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ Căn cước công dân, bản sao Chứng minh nhân dân (nếu có). Cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tiến hành tra cứu, xác minh qua tàng thư Căn cước công dân, giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp có thể hiện thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân để xác định chính xác nội dung thông tin.

Trường hợp có đủ căn cứ thì cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân cho công dân, trường hợp không có căn cứ để xác nhận thì trả lời công dân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thời hạn cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân tối đa không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Công dân có thể đăng ký cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an tại bất kỳ cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân khi công dân có thông tin số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kết quả giải quyết sẽ được cập nhật, thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, khi công dân có yêu cầu được trả Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.

Điều 13. Nơi tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện, cấp tỉnh bố trí nơi thu nhận và trực tiếp thu nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương mình.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an bố trí nơi thu nhận và trực tiếp tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho những trường hợp cần thiết do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Điều 14. Tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lưu động trong trường hợp cần thiết

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân các cấp tiến hành thu nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lưu động nếu xét thấy cần thiết.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại cơ quan, tổ chức khi có văn bản đề nghị của thủ trưởng các cơ quan này và xét thấy cần thiết.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân tại chỗ ở của công dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể đi lại.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG AN CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG VỀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN, CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 15. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện công tác về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thu thập, cập nhật, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; sản xuất, cấp và quản lý thẻ Căn cước công dân.

3. Quản lý, khai thác, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Tổ chức sản xuất, thống nhất quản lý thẻ Căn cước công dân; phối hợp với Cục Kế hoạch và tài chính, Cục Trang bị và kho vận, Viện Khoa học và công nghệ và các đơn vị có liên quan để bảo đảm kinh phí sản xuất, quản lý thẻ Căn cước công dân, trang cấp vật tư, phương tiện, biểu mẫu phục vụ công tác cấp thẻ Căn cước công dân.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

Điều 16. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

1. Cục Tổ chức cán bộ, Cục Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Cục Kế hoạch và tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bố trí kinh phí thường xuyên, đột xuất phục vụ xây dựng và duy trì hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

3. Cục Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và công nghệ, Cục Viễn thông và cơ yếu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn, đảm bảo cho Công an các đơn vị, địa phương về kỹ thuật, công nghệ, bảo mật thông tin trong xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

4. Cục Hậu cần, Cục Trang bị và kho vận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn, đảm bảo cho Công an các đơn vị, địa phương về vật tư, trang thiết bị trong xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý Căn cước công dân.

5. Các đơn vị khác thuộc Bộ Công an căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong công tác liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

Điều 17. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh

1. Trực tiếp thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Tổ chức thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo sự phân công, phân cấp của Bộ Công an.

3. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân trong phạm vi quản lý.

4. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân tại địa bàn quản lý và báo cáo về Bộ Công an.

Điều 18. Trách nhiệm của Công an cấp huyện

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an cấp xã về thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Tổ chức thực hiện công tác cấp, quản lý Căn cước công dân, kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân của công dân trong địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm của Công an cấp xã

1. Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Nắm tình hình, thống kê, rà soát người đến độ tuổi được cấp Căn cước công dân; phối hợp với Công an cấp trên trong tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân tại địa bàn.

3. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 và thay thế Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01 tháng 02 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân; Thông tư số 40/2019/TT-BCA ngày 01 tháng 10 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01 tháng 02 năm 2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.

Tại sao phải quy định trách nhiệm của người cho mượn xe?

Việc quy định một số trường hợp chủ xe có thể bị xử phạt khi cho mượn xe mang theo một số ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực giao thông và an toàn đường bộ.

Ý nghĩa việc quy định

Quy định giúp đảm bảo rằng người và các phương tiện tham gia giao thông đều phải đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe và kiến thức về quy tắc giao thông. Việc cho mượn xe cho những người không đủ điều kiện có thể gây ra nguy cơ tai nạn và vi phạm luật giao thông.

Quy định về xử phạt chủ xe khi cho mượn xe đòi hỏi các chủ xe phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan đến việc cho mượn xe. Điều này khuyến khích người cho mượn và người mượn xe tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và luật pháp giao thông.

Chủ xe cần hiểu rằng khi cho mượn xe, họ chịu trách nhiệm phải đảm bảo rằng người mượn xe đủ điều kiện và khả năng để lái xe an toàn. Việc áp dụng các khoản phạt có thể tạo áp lực cho chủ xe nắm vững trách nhiệm của mình.

Quy định cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của những người tham gia giao thông bằng cách đảm bảo rằng chỉ những người đủ điều kiện và có khả năng lái xe mới được phép tham gia giao thông, giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tại sao phải quy định trách nhiệm của người cho mượn xe?
Tại sao phải quy định trách nhiệm của người cho mượn xe?

Cho mượn xe gây tai nạn ai chịu trách nhiệm?

Theo Điều 601 của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có những quy định chi tiết sau đây:

Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm các phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ và thú dữ. Những thiệt hại mà những nguồn nguy hiểm cao độ này gây ra sẽ yêu cầu bồi thường trực tiếp từ chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu đã giao cho người khác sử dụng, chiếm hữu thiệt hại thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, trừ khi có thoả thuận riêng với chủ sở hữu.

Trong những trường hợp sau đây, cả chủ sở hữu và người chiếm hữu sẽ không phải bồi thường thiệt hại:

  • Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do người bị thiệt hại cố ý gây ra lỗi.
  • Thiệt hại xảy ra trong tình huống bất khả kháng hoặc khẩn cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do đó, nếu không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại giữa hai bên, người mượn xe gây tai nạn giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra. Chủ xe cho mượn cần nắm rõ các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho bản thân trong những tình huống gây ra thiệt hại. Chủ sở hữu xe vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi cố ý giao xe cho những người không đủ điều kiện để sử dụng. Lỗi vi phạm này được quy định cụ thể tại khoản 76 Điều 1 của Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017.

Có thể bạn quan tâm:

Ai sẽ bị phạt khi người mượn xe vi phạm nồng độ cồn?

Trong việc cho phép người khác sử dụng xe của mình, chủ xe cần phải biết một số trường hợp có thể dẫn đến việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Việc cho mượn xe sẽ được áp đặt các khoản phạt như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc cho mượn xe sẽ được áp đặt các khoản phạt cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Cá nhân hoặc tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự:

Khi giao xe hoặc cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông, bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng.

Trường hợp 2: Cá nhân hoặc tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:

Khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông, bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng.

Điều kiện về tuổi tác và sức khỏe được quy định cụ thể như sau:

Điều kiện về độ tuổi:

Người đủ 16 tuổi trở lên được phép lái xe gắn máy có dung  btích xi-lanh dưới 50 cm3.

Người đủ 18 tuổi trở lên được phép lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có cấu trúc tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

Người đủ 21 tuổi trở lên được phép lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).

Người đủ 24 tuổi trở lên được phép lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).

Người đủ 27 tuổi trở lên được phép lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).

Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Điều kiện về sức khỏe:

Sức khỏe của người lái xe được quy định theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT.

Ai sẽ bị phạt khi người mượn xe vi phạm nồng độ cồn?
Ai sẽ bị phạt khi người mượn xe vi phạm nồng độ cồn?

Quy định xử phạt khi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn?

Theo Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng thì mức xử phạt đối với việc vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô và xe máy khi tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

Mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn

– Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.

– Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 16-18 triệu đồng và tước GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.

– Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 30-40 triệu đồng và tước GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.

Mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn

– Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 10 tháng đến 12 tháng.

– Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/1 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 4-5 triệu đồng và tước GPLX từ 16 tháng đến 18 tháng.

– Vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: phạt tiền 6-8 triệu đồng và tước GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.

Người mượn xe vi phạm nồng độ cồn thì chủ xe có bị phạt không?

Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ”.

Hiện nay pháp luật quy định sẽ phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Chủ phương tiện chỉ bị phạt trong trường hợp biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông mà vẫn giao xe.

Như vậy trong trường hợp biết rõ người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà vẫn cố tình cho mượn thì sẽ bị xử phạt. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ có những hình thức xử phạt khác nhau.

Mức phạt khi chủ xe cho người không đủ điều kiện mượn xe

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với việc chủ xe cho người không đủ điều kiện mượn xe được quy định chi tiết như sau:

Chủ xe ô tô, xe gắn máy cho người khác mượn xe không đủ các điều kiện theo quy định:

Đối với cá nhân, mức phạt có thể là từ 800.000 đến 02 triệu đồng.

Đối với tổ chức, mức phạt có thể là từ 1,6 triệu đến 04 triệu đồng.

Đối với chủ xe là xe ô tô, xe máy chuyên dùng cho người khác mượn xe mà người mượn không đủ điều kiện lái xe:

Đối với cá nhân, mức phạt có thể là từ 04 triệu đến 06 triệu đồng.

Đối với tổ chức, mức phạt có thể là từ 08 triệu đến 12 triệu đồng.

Những quy định này nhằm tạo ra một cơ chế rõ ràng và công bằng để đảm bảo rằng người cho mượn xe sẽ tuân thủ đúng quy định về điều kiện lái xe và tránh việc tiềm ẩn rủi ro và tai nạn giao thông.

Có thể bạn quan tâm:

 

Người nghỉ hưu mà vẫn đi làm thêm thì có bị cắt lương hưu?

Những người nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thêm cần nắm được thông tin về việc có bị cắt lương hưu hay không, ký hợp đồng lao động thế nào. Hãy cùng xuphat.com theo dõi bài viết sau đây.

Hiện nay, nhiều người nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thêm để tăng thu nhập hoặc tránh thời gian nhàn rỗi nhàm chán. Không ít người băn khoăn khi đang hưởng lương hưu mà đi làm thì có bị cắt lương hưu và các chế độ hưu trí khác hay không.

Đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm có bị cắt lương hưu không?

nghỉ hưu vẫn đi làm có bị cắt lương hưu
Người nghỉ hưu mà vẫn đi làm có bị cắt lương hưu?

Theo khoản 2 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

Như vậy, người đã nghỉ hưu nhưng vẫn đi làm thêm sẽ không bị cắt lương hưu. Hằng tháng, người lao động ngoài nhận được tiền lương do người sử dụng lao động chi trả thì vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán đủ lương hưu và các chế độ hưu trí khác theo lịch chi trả cố định.

Thực tế, việc người lao động đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc không hề hiếm gặp. Pháp luật cho phép sử dụng lao động cao tuổi để làm việc nhưng cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Nhà nước cũng khuyến khích việc sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

TIN HOT>>Cho vay tiền nếu không có giấy tờ thì có kiện được không?

Người đã nghỉ hưu đi làm thì ký hợp đồng lao động thế nào?

nghỉ hưu vẫn đi làm có bị cắt lương hưu
Người đã nghỉ hưu mà đi làm vẫn thì ký hợp đồng lao động như thế nào?

Theo Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động và người lao động đã nghỉ hưu có thỏa thuận về việc làm có trả công cùng các điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên thì trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động đó.

Các bên có thể ký hợp đồng lao động loại có thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn, người lao động và người sử dụng có thể thỏa thuận ký nhiều lần hợp đồng xác định thời hạn.

Do đó, tùy vào nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động có thể lựa chọn ký loại hợp đồng lao động phù hợp.

Với những người lao động đã nghỉ hưu và hưởng lương hưu hằng tháng, do tình trạng sức khỏe có nhiều hạn chế, cộng thêm thời gian gắn bó không dài nên phương án tối ưu khi ký hợp đồng lao động với những người này là ký hợp đồng lao động có thời hạn.

Hết hạn hợp đồng mà hai bên vẫn còn nhu cầu thì ký tiếp hợp đồng lao động mới.

Người nghỉ hưu đi làm thì có phải đóng BHXH nữa không?

nghỉ hưu vẫn đi làm có bị cắt lương hưu
Người nghỉ hưu đi làm thì có phải đóng BHXH nữa không?

Theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người đã nghỉ hưu đi làm không phải đóng bảo hiểm xã hội bởi người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cùng với việc không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hằng tháng, người lao động còn được người sử dụng lao động chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động cho người lao động theo quy định.

Trong khi đó, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, hằng tháng, người sử dụng lao động phải đóng 14% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 3% vào quỹ bảo hiểm y tế.

Như vậy, mỗi tháng, người lao động đã nghỉ hưu đi làm sẽ được trả thêm 21,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Số tiền này sẽ được người sử dụng lao động chi trả cùng lúc với kỳ trả lương đã thỏa thuận.

XEM THÊM>>Quy định mới về bảo hiểm xe máy, ô tô bắt buộc

Công an tỉnh Bắc Giang ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn

Từ tối ngày 24/10, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về “Nồng độ cồn” trên tất cả các tuyến đường trọng điểm của tỉnh Bắc Giang. Hãy cùng xuphat.com theo dõi bài viết sau đây.

Công an tỉnh Bắc Giang ra quân tổng kiểm tra

công an tỉnh Bắc Giang
Lực lượng công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra nồng độ cồn với các tài xế.

Theo kế hoạch đề ra, tổng số cán bộ, chiến sĩ được huy động vào tối ngày 24/10 là 233, trong đó gồm 161 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông phối hợp với gần 60 đồng chí lực lượng khác và 13 đồng chí Công an cấp xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã huy động 100% quân số trực tiếp tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm tại địa bàn thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang và chủ trì, phối hợp Công an huyện Việt Yên, Hiệp Hòa thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra.

Kết quả lực lượng Công an giao thông đã kiểm tra, xử lý 184 trường hợp (18 ô tô, 166 mô tô) vi phạm trật tự an toàn giao thông, gồm 151 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (18 ô tô, 133 mô tô) và 33 trường hợp vi phạm khác.

XEM THÊM>>Bình Dương: phát hiện hơn 900 trường hợp vi phạm nồng độ cồn chỉ trong 4 ngày

Làm rõ người vi phạm có phải là cán bộ, đảng viên, công chức hay không

Ngoài việc lập biên bản vi phạm hành chính tại địa điểm vi phạm, lực lượng Công an đã xác minh, làm rõ người vi phạm có phải là cán bộ, đảng viên, công chức hay không, nếu phát hiện thì thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú để xử lý nghiêm theo quy định.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục huy động tối đa lực lượng để tổng kiểm tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện trên đường vi phạm các quy định về nồng độ cồn” trên tất cả các tuyến, địa bàn. Qua đó nâng cao ý thức “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” cho mọi người dân tại Bắc Giang.

TIN HOT>>Xử phạt xe container đi ngược chiều vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang

xe oto phạt nguộiTRA CỨU
PHẠT NGUỘI