Hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng hoặc bị xử lý hình sự về tội gian dối.
Gần đây, một số bạn đọc phản ánh rằng họ ký hợp đồng với một số công ty để ra nước ngoài làm việc hoặc định cư. Tuy nhiên, khác với những quảng cáo về các chương trình, về cuộc sống màu “hồng” nơi xứ người, khi ký hợp đồng xong phía công ty lại không thực hiện như cam kết.
Cũng liên quan đến vấn đề quảng cáo, một số bạn đọc khác lại phản ánh họ ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với một số công ty nhưng những trải nghiệm thực tế lại không đúng so với những gì họ được chào mời.
Vậy để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, họ phải làm sao? Hành vi quảng cáo gian dối, không đúng sự thật sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Trả lời những thắc mắc này của bạn đọc, Luật sư Bùi Trần Nhật Vi (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Quảng cáo có khả năng định hướng và tác động đến người tiêu dùng. Do đó Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 đã quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động này:
Đó là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố… Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng…hay có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”…
Tuy nhiên, để bán được hàng hoá, dịch vụ, đã có không ít cá nhân, tổ chức vẫn cố tình vi phạm quy định pháp luật, quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ cung cấp; tư vấn sai lệch về sản phẩm, dịch vụ, gây hiểu lầm cho khách hàng.
Ở mức độ nhẹ, hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 34 Nghị định 38/2021. Theo đó, tùy hành vi mà sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng kèm với các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo… Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí…
Ở mức độ nặng hơn, hành vi gian dối sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Để tránh bị “sụp bẫy” lừa đảo qua hình thức này, dẫn đến nhiều phiền phức trong cuộc sống, người dân nên cẩn thận, tìm hiểu rõ các thông tin trước khi ký kết các hợp đồng. Đồng thời, có thể tìm đến các cơ quan nhà nước để xác thực thông tin về hoạt động của các công ty này. Tuyệt đối đừng vội tin vào những lời qquảng cáo sẽ dễ dẫn đến “tiền mất tật mang”.
XEM THÊM:>>Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo